BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/2015/TT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là ATKT & BVMT) đối với các loại xe máy chuyên dùng nhập khẩu; sản xuất, lắp ráp từ các linh kiện chưa qua sử dụng hoặc từ xe cơ sở chưa qua sử dụng và chưa có biển đăng ký; cải tạo và khai thác sử dụng.
2. Thông tư này không áp dụng đối với xe máy chuyên dùng được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, kiểm tra nhập khẩu; sản xuất, lắp ráp từ các linh kiện chưa qua sử dụng hoặc từ xe cơ sở chưa qua sử dụng và chưa có biển đăng ký; cải tạo và khai thác sử dụng xe máy chuyên dùng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng trong Thông tư này bao gồm:
1. Xe máy chuyên dùng (sau đây viết tắt là Xe) gồm các loại xe được nêu trong tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7772:2007 “Xe, máy và thiết bị thi công di động - phân loại” và các loại Xe được nêu tại Phụ lục II của Thông tư số 13/2015/TT-BGTVT ngày 21 tháng 04 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.
2. Xe cùng kiểu loại là các Xe của cùng một chủ sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế, thông số kỹ thuật cơ bản và cùng nước sản xuất.
3. Mẫu điển hình là sản phẩm được kiểm tra, đánh giá để cấp Giấy chứng nhận kiểu loại.
4. Chứng chỉ chất lượng được hiểu là một trong các văn bản sau: Thông báo miễn kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT Xe nhập khẩu (sau đây viết tắt là Thông báo miễn), Giấy chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT Xe nhập khẩu (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận CL); Thông báo không đạt chất lượng ATKT & BVMT nhập khẩu (sau đây viết tắt là Thông báo không đạt); Giấy chứng nhận Thẩm định thiết kế; Giấy chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT Xe sản xuất, lắp ráp (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận kiểu loại); Giấy chứng nhận Thẩm định thiết kế cải tạo; Giấy chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT Xe cải tạo.
5. Chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm là quá trình kiểm tra, thử nghiệm, xem xét, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của một kiểu loại sản phẩm với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Bộ Giao thông vận tải về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
6. Giấy chứng nhận kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường Xe trong khai thác sử dụng (sau đây viết tắt Giấy CNAT) là chứng chỉ xác nhận Xe đã được kiểm tra và thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
7. Tem kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường Xe trong khai thác sử dụng (sau đây viết tắt là Tem kiểm tra) là biểu trưng cấp cho Xe đã được cấp Giấy CNAT và được phép tham gia giao thông đường bộ theo thời hạn ghi trên Tem kiểm tra.
8. Người nhập khẩu là tổ chức, cá nhân nhập khẩu Xe.
9. Thẩm định thiết kế là việc xem xét, kiểm tra đối chiếu các nội dung của hồ sơ thiết kế sản phẩm với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành nhằm đảm bảo cho các sản phẩm được sản xuất, lắp ráp đáp ứng các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
10. Cơ sở thiết kế là tổ chức có đăng ký kinh doanh, hoạt động ngành nghề thiết kế Xe hoặc là Cơ sở sản xuất, lắp ráp, cải tạo tự thiết kế Xe do đơn vị mình sản xuất, lắp ráp, cải tạo.
11. Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Xe hoạt động theo quy định hiện hành.
12. Cơ sở cải tạo là tổ chức kinh doanh ngành nghề cải tạo Xe.
13. Đơn vị kiểm tra ATKT & BVMT Xe trong khai thác sử dụng (sau đây viết tắt là Đơn vị kiểm tra) là các Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các Chi cục đăng kiểm có đủ điều kiện về trang bị, thiết bị và nhân lực thực hiện kiểm tra Xe theo quy định và được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
14. Chủ xe là tổ chức, cá nhân sở hữu; người lái xe hoặc người đưa Xe đến kiểm tra.
15. Đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất (sau đây viết tắt là đánh giá COP) là quá trình xem xét, đánh giá hệ thống đảm bảo ATKT & BVMT trong sản xuất, lắp ráp.
16. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các tiêu chuẩn và sai số phép đo được sử dụng trong Thông tư này:
a) QCVN 13: 2011/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng;
b) QCVN 22: 2010/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo và kiểm tra phương tiện, thiết bị xếp dỡ;
c) QCVN 12: 2011/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sai số cho phép và làm tròn số đối với kích thước, khối lượng của xe cơ giới; sai số cho phép và làm tròn số đối với kích thước khối lượng của Xe áp dụng như đối với ô tô chuyên dùng;
d) TCVN 7772: Tiêu chuẩn quốc gia về Xe, máy và thiết bị thi công di động - phân loại;
đ) TCVN 4244: Tiêu chuẩn quốc gia về Thiết bị nâng, thiết kế chế tạo và kiểm tra kỹ thuật.
Chương II
KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
Điều 4. Hồ sơ đăng ký kiểm tra
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra (sau đây viết tắt là Hồ sơ ĐKKT) bao gồm các loại tài liệu sau:
a) Bản đăng ký kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao Hóa đơn thương mại hoặc các giấy tờ tương đương;
c) Bản sao Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (đối với Xe nhập khẩu được để ở ngoài khu vực giám sát của Hải quan và được nộp trước khi tiến hành kiểm tra thực tế);
d) Tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật hoặc Bản thông tin Xe nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Bản chính Phiếu kiểm tra xuất xưởng do nhà sản xuất cấp cho từng Xe hoặc bản chính Giấy chứng nhận chất lượng (C/Q) do nhà sản xuất cấp cho Xe. Các tài liệu này được áp dụng đối với Xe thuộc phương thức kiểm tra xác nhận kiểu loại quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.
2. Miễn nộp tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật quy định tại điểm d khoản 1 Điều này đối với Xe nhập khẩu cùng kiểu loại với Xe đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng, các Xe đã cấp Giấy chứng nhận chất lượng được công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 5. Trình tự, cách thức thực hiện
1. Người nhập khẩu nộp 01 bộ Hồ sơ ĐKKT quy định tại Điều 4 của Thông tư này trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác tới Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra Hồ sơ ĐKKT và thực hiện như sau:
a) Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận vào Bản đăng ký kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT. Người nhập khẩu phải đưa Xe đến địa điểm đăng ký kiểm tra thực tế trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày được xác nhận Hồ sơ ĐKKT.
Trường hợp Người nhập khẩu không có Xe để kiểm tra thực tế trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được tạm giải phóng hàng thì phải có văn bản giải trình gửi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam về lý do chậm trễ.
b) Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn Người nhập khẩu bổ sung, hoàn thiện lại.
3. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra Xe thực tế theo thời gian, địa điểm đã thống nhất với Người nhập khẩu. Thời gian kiểm tra thực tế trong vòng 01 ngày làm việc đối với phương tiện có đủ điều kiện để kiểm tra.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra Xe thực tế và nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Chứng chỉ chất lượng.
5. Cục Đăng kiểm Việt Nam trả Chứng chỉ chất lượng sau khi có xác nhận đã thanh toán phí và lệ phí.
Điều 6. Phương thức kiểm tra
1. Kiểm tra xác nhận kiểu loại:
a) Phương thức kiểm tra này áp dụng đối với Xe chưa qua sử dụng, được sản xuất trước thời điểm nhập khẩu không quá 03 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, có hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này và đáp ứng một trong các điều kiện sau: Xe đã được kiểm tra theo Hiệp định hoặc Thỏa thuận công nhận lẫn nhau mà Việt Nam tham gia ký kết; xe được sản xuất tại Cơ sở sản xuất nước ngoài đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc đánh COP theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư này và có cùng kiểu loại với loại xe đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận CL.
b) Nội dung kiểm tra: Lấy ngẫu nhiên 01 Xe của mỗi kiểu loại để kiểm tra sự phù hợp về kiểu loại Xe thể hiện trong Hồ sơ ĐKKT so với các kiểu loại Xe đã được cấp Giấy chứng nhận CL; kiểm tra tình trạng số khung, số động cơ của từng chiếc xe nhập khẩu có cùng kiểu loại với kiểu loại thể hiện trong Hồ sơ ĐKKT.
2. Kiểm tra xác suất:
a) Phương thức kiểm tra này áp dụng đối với Xe chưa qua sử dụng, được sản xuất trước thời điểm nhập khẩu không quá 03 năm, có hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này và không thuộc đối tượng của phương thức kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Nội dung kiểm tra: Lấy ngẫu nhiên 01 xe của mỗi kiểu loại để kiểm tra các hạng mục: kiểm tra tổng quát, hệ thống phanh (không áp dụng kiểm tra hiệu quả phanh), hệ thống điều khiển, hệ thống công tác (không áp dụng kiểm tra thử tải), hệ thống chiếu sáng và tín hiệu, kiểm tra khí thải, tiếng ồn theo các quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành; kiểm tra tình trạng số khung, số động cơ của từng chiếc Xe nhập khẩu có cùng kiểu loại với kiểu loại thể hiện trong Hồ sơ ĐKKT.
3. Kiểm tra từng Xe:
a) Phương thức kiểm tra này áp dụng đối với Xe không thuộc đối tượng của phương thức kiểm tra quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và có hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;
b) Nội dung kiểm tra: kiểm tra theo các hạng mục theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành (không áp dụng kiểm tra thử tải và kiểm tra hiệu quả phanh).
Điều 7. Xử lý kết quả kiểm tra
1. Sau khi kiểm tra Xe thực tế và nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp chứng chỉ chất lượng đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Xe được kiểm tra theo Phương thức xác nhận kiểu loại và thỏa mãn các yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Thông báo miễn theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Xe được kiểm tra theo Phương thức kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra từng Xe và thỏa mãn các yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy Chứng nhận CL theo mẫu nêu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Xe được kiểm tra và không thỏa mãn các yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Thông báo không đạt theo mẫu nêu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Xe có số khung, số động cơ bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại thì Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện như sau: Dừng các thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT xe máy chuyên dùng nhập khẩu; Lập biên bản ghi nhận về tình trạng Xe vi phạm quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận vi phạm, Cục Đăng kiểm Việt Nam ra Thông báo vi phạm Nghị định số 187/2013/NĐ-CP theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này gửi tới Người nhập khẩu và Cơ quan hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) để giải quyết theo quy định.
2. Việc xử lý một số trường hợp đặc biệt trong quá trình kiểm tra được thực hiện như sau:
a) Trường hợp Xe đã qua sử dụng có tài liệu kỹ thuật nhưng không đầy đủ thông số kỹ thuật cơ bản thì thông số kỹ thuật cơ bản Xe được xác định trên cơ sở kiểm tra thực tế;
b) Trường hợp Xe có kích thước lớn mà phải tháo rời để phù hợp cho việc vận chuyển về Việt Nam thì Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm tra chất lượng nhập khẩu sau khi Xe đã được lắp ráp hoàn chỉnh;
c) Trường hợp các Xe nhập khẩu bị hư hại trong quá trình vận chuyển từ cảng xếp hàng về Việt Nam thì Người nhập khẩu được phép hoàn thiện lớp sơn bị trầy xước; kính chắn gió, kính cửa sổ bị nứt vỡ; hệ thống đèn chiếu sáng, tín hiệu: bị nứt, vỡ; gương chiếu hậu bị nứt, vỡ; gạt nước mưa bị hư hại hoặc hoạt động không bình thường; ắc quy không hoạt động;
d) Đối với Xe không tham gia giao thông đường bộ thì trong Chứng chỉ chất lượng ghi chú như sau: Xe này không tham gia giao thông đường bộ;
đ) Trường hợp các Xe tay lái bên phải được phép nhập khẩu theo quy định tại mục 6a phần II Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, thì được kiểm tra để cấp chứng chỉ, nếu Xe đạt chất lượng ATKT & BVMT thì trong chứng chỉ chất lượng có ghi chú: Xe này dùng để hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông.
e) Trường hợp Xe được thiết kế tăng ga tự động theo tải trọng làm việc hoặc Xe có ống xả được thiết kế đặc biệt mà không thể đưa đầu lấy mẫu khí thải vào ống xả thì không áp dụng kiểm tra khí thải;
g) Trường hợp trên Xe có nhiều số khung, số động cơ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ ghi nhận cụ thể về tình trạng của số khung hoặc số động cơ vào chứng chỉ chất lượng của Xe và ghi chú vị trí đóng số trong những trường hợp đặc biệt;
h) Trường hợp Xe bị nghi vấn về tình trạng số khung hoặc số động cơ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ trưng cầu giám định tại Cơ quan giám định chuyên ngành để xử lý cụ thể;
i) Năm sản xuất của Xe được xác định theo các căn cứ như sau: số nhận dạng của Xe (số PIN); số khung của Xe; tài liệu của nhà sản xuất như: catalog, sổ tay thông số kỹ thuật; phần mềm tra cứu của các tổ chức, hiệp hội quốc tế cung cấp thông tin về Xe; thông tin trên nhãn mác của nhà sản xuất được gắn hoặc đóng trên Xe; thông tin được ghi nhận trong bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký Xe hoặc Giấy hủy đăng ký Xe đang lưu hành tại nước ngoài.
3. Việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất nước ngoài được thực hiện đối với Xe chưa qua sử dụng theo phương thức và nội dung quy định tại Điều 12 của Thông tư này.
Chương III
KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG SẢN XUẤT, LẮP RÁP
Điều 8. Hồ sơ thiết kế
1. Hồ sơ thiết kế Xe (01 bộ gồm 03 bản) bao gồm:
a) Thuyết minh thiết kế kỹ thuật Xe (bản chính) theo quy định tại mục A của Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản vẽ kỹ thuật (bản chính) theo quy định tại mục B của Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Bản thông số kỹ thuật của các tổng thành, hệ thống nhập khẩu liên quan tới nội dung tính toán thiết kế.
2. Miễn lập hồ sơ thiết kế: đối với Xe sản xuất, lắp ráp theo thiết kế và mang nhãn hiệu hàng hóa của nước ngoài, nếu Cơ sở sản xuất cung cấp được các tài liệu thay thế sau đây:
a) Bản vẽ kỹ thuật của Xe thể hiện được bố trí chung của sản phẩm; các kích thước cơ bản của Xe; bố trí và kích thước lắp đặt hệ thống công tác, ca bin;
b) Bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp;
c) Văn bản của bên chuyển giao công nghệ xác nhận sản phẩm được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam có chất lượng phù hợp với sản phẩm nguyên mẫu.
Điều 9. Thẩm định thiết kế
1. Hồ sơ thiết kế Xe phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định.
2. Hồ sơ thiết kế sau khi thẩm định đạt yêu Cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Hồ sơ thiết kế sau khi được cấp giấy chứng nhận thẩm định thì: 01 bản lưu trữ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam; 01 bản lưu trữ tại Cơ sở thiết kế và 01 bản tại Cơ sở sản xuất, lắp ráp.
4. Bổ sung, sửa đổi hồ sơ thiết kế
a) Trong trường hợp có thay đổi, bổ sung thiết kế sản phẩm so với hồ sơ thiết kế đã được thẩm định thì Cơ sở sản xuất hoặc Cơ sở thiết kế sản phẩm đó phải có hồ sơ thiết kế bổ sung, sửa đổi và văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định nội dung bổ sung, sửa đổi đó theo trình tự thủ tục quy định tại khoản 5 Điều này.
b) Cơ sở thiết kế phải lập hồ sơ thiết kế mới nếu những bổ sung, sửa đổi không đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm cùng kiểu loại được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Thủ tục thẩm định thiết kế
a) Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bao gồm: 01 văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính); 03 hồ sơ thiết kế (theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Thông tư này); 01 bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ thay thế khác của Cơ sở thiết kế (đối với trường hợp thẩm định thiết kế lần đầu của cơ sở thiết kế).
b) Trình tự thực hiện:
Cơ sở thiết kế, Cơ sở sản xuất (đối với trường hợp tự thiết kế) lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ: Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn cơ sở hoàn thiện lại; Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì viết giấy thông báo hẹn thời gian trả kết quả thẩm định thiết kế.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ thiết kế: Nếu hồ sơ thiết kế chưa đạt yêu cầu thì thông báo bổ sung, sửa đổi; Nếu hồ sơ thiết kế đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Thời hạn giải quyết:
Thời hạn thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế: chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Điều 10. Kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình
1. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuẩn bị mẫu điển hình tại địa điểm kiểm tra đã được thống nhất với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Các hạng mục và đối tượng phải kiểm tra, thử nghiệm được quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành; lập Báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình.
Điều 11. Hồ sơ kiểm tra sản phẩm
1. Hồ sơ kiểm tra đối với Xe bao gồm:
a) Bản chính báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình;
b) Hồ sơ thiết kế đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định hoặc các tài liệu thay thế quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này;
c) Ảnh chụp kiểu dáng; Bản thông tin Xe theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Bản thống kê các tổng thành, hệ thống sản xuất trong nước và nhập khẩu dùng để sản xuất, lắp ráp sản phẩm theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Bản mô tả quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm;
e) Bản thuyết minh phương pháp và vị trí đóng số khung, số động cơ;
g) Tài liệu hướng dẫn sử dụng và bảo hành sản phẩm.
2. Hồ sơ kiểm tra sản phẩm phải được lưu trữ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cơ sở sản xuất ít nhất 02 năm, kể từ thời điểm Cơ sở sản xuất thông báo tới Cục Đăng kiểm Việt Nam ngừng sản xuất, lắp ráp kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận.
Điều 12. Đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất (COP)
1. Để đảm bảo chất lượng các sản phẩm sản xuất hàng loạt, Cơ sở sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra chất lượng cho từng kiểu loại sản phẩm từ khâu kiểm soát chất lượng linh kiện đầu vào, kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn cho tới kiểm tra chất lượng xuất xưởng sản phẩm và khâu kiểm soát việc bảo hành bảo dưỡng;
b) Có các thiết bị kiểm tra phù hợp với các công đoạn của quy trình sản xuất và kiểm tra xuất xưởng;
c) Có kỹ thuật viên chịu trách nhiệm về chất lượng xuất xưởng có nghiệp vụ phù hợp.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất theo các phương thức sau:
a) Đánh giá lần đầu: Được thực hiện trước khi cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường Xe sản xuất, lắp ráp (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận kiểu loại) trên cơ sở xem xét, đánh giá các nội dung: quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm; quy định lưu trữ và kiểm soát hồ sơ chất lượng; nhân lực phục vụ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng; trang thiết bị kiểm tra chất lượng xuất xưởng; hoạt động của hệ thống kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp, kiểm tra chất lượng xuất xưởng sản phẩm và đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường;
b) Đánh giá hàng năm: Được thực hiện định kỳ hàng năm để kiểm tra việc duy trì các điều kiện kiểm tra chất lượng tại Cơ sở sản xuất đã đăng ký và được đánh giá lần đầu. Việc mở rộng phạm vi kiểm tra, đánh giá được thực hiện khi có sự không phù hợp trong quá trình sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm;
c) Đánh giá đột xuất: Được thực hiện trong các trường hợp Cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng hoặc các khiếu nại có căn cứ về chất lượng sản phẩm.
Nội dung đánh giá COP tại cơ sở sản xuất được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng và các yêu cầu của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
3. Miễn thực hiện đánh giá COP đối với kiểu loại sản phẩm được sản xuất, lắp ráp theo quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra tương tự hoặc không có sự thay đổi cơ bản so với quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra của kiểu loại sản phẩm đã được đánh giá trước đó.
Điều 13. Cấp Giấy chứng nhận kiểu loại
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ Hồ sơ quy định tại Điều 11 của Thông tư này, Báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình và báo cáo kết quả đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất để cấp Giấy chứng nhận kiểu loại cho kiểu loại sản phẩm theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trình tự, cách thức thực hiện:
a) Cơ sở sản xuất lập hồ sơ kiểm tra sản phẩm theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam;
b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ kiểm tra sản phẩm: nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, hướng dẫn Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất về thời gian và địa điểm thực hiện kiểm tra sản phẩm mẫu và đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất;
c) Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ Báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm mẫu được quy định tại khoản 2 Điều 10 của Thông tư này và Báo cáo đánh giá COP: nếu chưa đạt yêu cầu thì thông báo để Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại; nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận kiểu loại.
3. Thời hạn giải quyết:
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận kiểu loại: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ kiểm tra đầy đủ theo quy định.
Điều 14. Kiểm tra trong quá trình sản xuất, lắp ráp hàng loạt
1. Sau khi sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại, Cơ sở sản xuất tiến hành sản xuất hàng loạt, kiểm tra chất lượng trong suốt quá trình sản xuất, lắp ráp cho từng sản phẩm và phải đảm bảo các sản phẩm này đúng theo hồ sơ kiểu loại và sản phẩm mẫu đã được chứng nhận.
2. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm xuất xưởng.
3. Từng sản phẩm sản xuất hàng loạt phải được Cơ sở sản xuất kiểm tra chất lượng xuất xưởng (sau đây gọi tắt là kiểm tra xuất xưởng) theo hình thức tự kiểm tra.
4. Hồ sơ xuất xưởng đối với Xe sản xuất, lắp ráp:
a) Đối với Xe đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại và có báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng xuất xưởng, Cơ sở sản xuất được nhận phôi phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này, tương ứng với số lượng Xe đó. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của từng sản phẩm, Cơ sở sản xuất cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (sau đây gọi tắt là Phiếu xuất xưởng) cho Xe. Phiếu xuất xưởng phải do người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu. Phiếu xuất xưởng cấp cho Xe nêu trên dùng để làm thủ tục đăng ký Xe hoặc để xuất trình khi có yêu cầu;
b) Cơ sở sản xuất có trách nhiệm lập và cấp cho từng Xe xuất xưởng các hồ sơ, bao gồm: Phiếu xuất xưởng (bản chính) theo quy định tại điểm a khoản này để làm thủ tục đăng ký; phiếu xuất xưởng (bản sao) để làm thủ tục khi kiểm tra an toàn và bảo vệ môi trường lần đầu; tài liệu hướng dẫn sử dụng, trong đó có các thông số kỹ thuật chính và hướng dẫn sử dụng các thiết bị an toàn của Xe; số bảo hành hoặc phiếu bảo hành sản phẩm, trong đó ghi rõ điều kiện bảo hành và địa chỉ các Cơ sở bảo hành;
c) Cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm về số lượng, kiểu loại và kết quả kiểm tra liên quan đến việc kiểm tra Xe xuất xưởng tới Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 15. Đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại; đình chỉ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận kiểu loại
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại trong các trường hợp sau:
a) Đánh giá hàng năm kiểu loại sản phẩm;
b) Đánh giá khi có sự thay đổi của sản phẩm so với sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại;
c) Đánh giá khi có sự thay đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định quy liên quan.
2. Căn cứ để đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại bao gồm:
a) Kết quả đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư này;
b) Sự phù hợp của sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại so với quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
3. Khi các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận thay đổi hoặc khi sản phẩm có các thay đổi ảnh hưởng tới sự phù hợp của kiểu loại sản phẩm đó so với quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì Cơ sở sản xuất phải tiến hành kiểm tra lại kiểu loại sản phẩm theo các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới. Trong trường hợp này, Cơ sở sản xuất phải nộp bổ sung cho Cục Đăng kiểm Việt Nam các tài liệu sau:
a) Tài liệu liên quan tới sự thay đổi của sản phẩm;
b) Báo cáo kết quả kiểm tra kiểu loại sản phẩm theo các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới hoặc Báo cáo kết quả kiểm tra bổ sung các hạng mục thay đổi của kiểu loại sản phẩm theo các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp nhận, kiểm tra các tài liệu bổ sung để xem xét, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Thông tư này.
4. Đình chỉ hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểu loại
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ đình chỉ hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểu loại đã cấp trong thời gian 03 tháng và thông báo bằng văn bản cho Cơ sở sản xuất trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ sở sản xuất có vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc sử dụng phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng;
b) Sản phẩm xuất xưởng không phù hợp với hồ sơ kiểu loại và sản phẩm mẫu đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại và Cơ sở sản xuất không thực hiện khắc phục các sản phẩm đã xuất xưởng không phù hợp.
Trong thời gian Giấy chứng nhận kiểu loại bị đình chỉ hiệu lực, Cơ sở sản xuất phải thực hiện khắc phục các lỗi vi phạm. Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ xem xét, kiểm tra sau khi Cơ sở sản xuất thông báo về việc đã khắc phục các lỗi vi phạm; nếu các lỗi vi phạm đã được khắc phục thì Cục Đăng kiểm Việt Nam hủy bỏ việc đình chỉ hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểu loại và thông báo bằng văn bản cho Cơ sở sản xuất; nếu hết thời gian bị đình chỉ mà Cơ sở sản xuất vẫn chưa khắc phục được các lỗi vi phạm thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục đình chỉ hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểu loại với thời hạn 03 tháng. Trường hợp Cơ sở sản xuất vẫn không khắc phục lỗi vi phạm sau khi hết hạn đình chỉ 02 lần liên tiếp thì Giấy chứng nhận kiểu loại đã cấp cho kiểu loại sản phẩm sẽ bị thu hồi theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.
5. Thu hồi Giấy chứng nhận kiểu loại
Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo bằng văn bản về việc thu hồi và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại đã cấp trong các trường hợp sau:
a) Khi kiểu loại sản phẩm không còn thỏa mãn các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành hoặc kiểu loại sản phẩm có sự thay đổi, không phù hợp với hồ sơ kiểm tra sản phẩm và Giấy chứng nhận kiểu loại đã cấp mà Cơ sở sản xuất không thực hiện việc kiểm tra bổ sung theo quy định;
b) Kết quả đánh giá COP cho thấy Cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, sử dụng phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng;
c) Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm bị đình chỉ hiệu lực 02 lần liên tiếp theo quy định tại khoản 4 Điều này mà Cơ sở sản xuất vẫn không khắc phục lỗi của kiểu loại sản phẩm vi phạm.
Chương IV
KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG CẢI TẠO
Điều 16. Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo
1. Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chứng nhận chất lượng Xe cải tạo;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các loại giấy tờ thay thế khác của Cơ sở thiết kế (đối với trường hợp Cơ sở thiết kế lần đầu);
c) Bản vẽ tổng thể của Xe trước và sau cải tạo; Bản vẽ, tài liệu kỹ thuật của tổng thành, hệ thống được sử dụng để cải tạo; Bản thuyết minh tính toán các nội dung cải tạo có ảnh hưởng đến các hạng mục phải kiểm tra tính toán được nêu tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này; Ảnh chụp kiểu dáng Xe trước khi cải tạo; Bản thông tin của Xe (nếu có thay đổi) theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trình tự, cách thức thực hiện thẩm định thiết kế cải tạo:
a) Cơ sở thiết kế cải tạo lập 01 bộ (gồm 03 bản) Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ: Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn cơ sở hoàn thiện lại; Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì viết giấy nhận Hồ sơ.
c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi Cơ sở thiết kế nộp đủ hồ sơ: nếu Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo đạt yêu cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo theo mẫu tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này; Nếu Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo không đạt yêu cầu, cơ quan thẩm định thiết kế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do gửi tới Cơ sở thiết kế.
Điều 17. Nghiệm thu chất lượng Xe cải tạo
1. Cơ sở cải tạo có trách nhiệm chuẩn bị Xe cải tạo tại địa điểm kiểm tra đã được thống nhất.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành lập Biên bản kiểm tra trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu Xe sau cải tạo với Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo đã được thẩm định và kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành; nếu hạng mục nào của Xe không đạt yêu cầu thì thông báo để cơ sở cải tạo hoàn thiện lại.
Điều 18. Cấp Giấy chứng nhận chất lượng Xe cải tạo
1. Xe sau cải tạo đã nghiệm thu và đạt yêu cầu thì được cấp Giấy chứng nhận chất lượng chất lượng Xe cải tạo (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận cải tạo) theo mẫu được quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận cải tạo gồm 02 liên, cấp cho chủ xe để làm thủ tục kiểm định và đăng ký biển số.
3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận cải tạo: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Xe cải tạo được nghiệm thu và đạt yêu cầu.
Chương V
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG
Điều 19. Hồ sơ kiểm tra
Hồ sơ kiểm tra bao gồm:
1. Giấy đề nghị kiểm tra ATKT & BVMT Xe trong khai thác, sử dụng (sau đây viết tắt là Giấy đề nghị kiểm tra Xe) sử dụng khi yêu cầu kiểm tra ngoài Đơn vị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Một trong các tài liệu sau đây đối với Xe kiểm tra lần đầu:
a) Bản chính hoặc bản điện tử Chứng chỉ chất lượng;
b) Bản sao Phiếu xuất xưởng;
c) Bản sao tài liệu kỹ thuật có bản vẽ tổng thể và thông số kỹ thuật cơ bản của Xe hoặc bản đăng ký thông số kỹ thuật Xe do tổ chức, cá nhân lập đối với Xe được nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trước ngày 01 tháng 12 năm 2009 (ngày Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng có hiệu lực).
3. Bản chính Giấy chứng nhận cải tạo đối với Xe có cải tạo;
Điều 20. Trình tự, cách thức thực hiện
1. Chủ xe hoàn thiện 01 bộ hồ sơ kiểm tra theo quy định tại Điều 19 của Thông tư này nộp cho Đơn vị kiểm tra.
2. Đơn vị kiểm tra tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ: Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác); Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất thời gian và địa điểm kiểm tra (đối với Xe yêu cầu kiểm tra ngoài Đơn vị kiểm tra).
3. Đơn vị kiểm tra tiến hành kiểm tra: nếu kết quả không đạt thì thông báo ngay cho Chủ xe; Nếu kết quả đạt thì cấp Giấy chứng nhận theo quy định trong thời hạn 01 ngày làm việc khi kiểm tra tại Đơn vị kiểm tra hoặc trong thời hạn 03 ngày làm việc khi kiểm tra ngoài Đơn vị kiểm tra, kể từ ngày kết thúc kiểm tra.
4. Cách thức thực hiện: Chủ xe có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại Đơn vị kiểm tra hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác.
Điều 21. Nội dung kiểm tra
1. Xe được kiểm tra theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan. Trường hợp kiểm tra ngoài Đơn vị kiểm tra thì không phải sử dụng thiết bị kiểm tra khí thải.
2. Chụp ảnh tổng thể tại địa điểm kiểm tra ở vị trí chéo góc khoảng 45° từ phía trước bên cạnh xe hoặc phía sau góc đối diện thể hiện rõ hình dáng và ảnh biển số của Xe; trường hợp chưa có biển số thì phải chụp ảnh số khung hoặc ảnh bản cà số khung để in trên Giấy CNAT. Trên ảnh có thể hiện thời gian chụp.
3. Kết quả kiểm tra Xe được ghi vào Biên bản kiểm tra ATKT & BVMT Xe (sau đây viết tắt là Biên bản kiểm tra Xe) theo mẫu quy định tại Phụ lục XX ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Cấp Giấy CNAT, Tem kiểm tra, Phiếu kết quả kiểm định
a) Xe kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định thì được cấp: Giấy CNAT và Tem kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII và Phụ lục XXIII ban hành kèm theo thông tư này. Giấy CNAT và Tem kiểm tra được in từ phần mềm Quản lý xe máy chuyên dùng; Phiếu kết quả kiểm định (đối với thiết bị nâng nêu tại điểm 2 mục VI Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này) theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Thời hạn hiệu lực của Giấy CNAT, Tem kiểm tra, Phiếu kết quả kiểm định quy định tại mục a khoản này là 12 tháng. Giấy CNAT và Tem kiểm tra phải có cùng một seri;
c) Giấy CNAT, Tem kiểm tra, Phiếu kết quả kiểm định quy định tại điểm a khoản này hết hiệu lực khi: Nội dung Giấy CNAT không phù hợp với thông số kỹ thuật thực tế của Xe; Xe được cấp Giấy CNAT mới; đã có khai báo mất của Chủ xe; đã có thông báo thu hồi của các Đơn vị kiểm tra; Xe bị tai nạn đến mức không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; bị hư hỏng, rách nát;
d) Giấy CNAT, Tem kiểm tra, Phiếu kết quả kiểm định cấp tại điểm a khoản này khi bị mất, bị hỏng (rách, sửa chữa, nhàu nát hoặc có hư hỏng khác) chỉ cấp lại sau khi Xe đã được kiểm tra có kết quả đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 20 của Thông tư này. Khi thay đổi chủ sở hữu hoặc chuyển vùng thì Giấy CNAT, Tem kiểm tra vẫn còn giá trị theo thời hạn hiệu lực.
Điều 22. Cấp phôi Giấy CNAT, Tem kiểm tra và báo cáo công tác kiểm tra
1. Thủ tục cấp phôi Giấy CNAT, Tem kiểm tra
a) Đơn vị kiểm tra lập và gửi đề nghị cung cấp phôi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc bằng thư điện tử theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIV ban hành kèm theo Thông tư này về Cục Đăng kiểm Việt Nam từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng cuối mỗi quý;
b) Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào nhu cầu và năng lực của các Đơn vị kiểm tra để gửi phôi qua đường bưu chính hoặc cấp trực tiếp cho Đơn vị kiểm tra từ ngày 23 đến ngày 30 của tháng cuối mỗi quý.
2. Báo cáo công tác kiểm tra
Các Đơn vị kiểm tra gửi báo cáo công tác kiểm tra như sau:
a) Truyền dữ liệu kiểm tra về máy chủ Cục Đăng kiểm Việt Nam ngay sau khi in Giấy CNAT, Tem kiểm tra;
b) Báo cáo định kỳ về cấp Giấy CNAT, Tem kiểm tra Xe theo mẫu quy định tại Phụ lục XXV ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 05 của tháng tiếp theo;
c) Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN
Điều 23. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan quản lý, tổ chức và thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT Xe nhập khẩu; sản xuất, lắp ráp; cải tạo và khai thác sử dụng. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm:
1. Tổ chức triển khai, thực hiện Thông tư này.
2. Xây dựng Chương trình phần mềm Quản lý Xe trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo và khai thác sử dụng, thống nhất in, quản lý các loại phôi Giấy CNAT, Tem kiểm tra và các Chứng chỉ chất lượng được quy định tại Thông tư này.
3. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện công tác kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT Xe.
Điều 24. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra định kỳ Xe trong khai thác sử dụng tại các Đơn vị kiểm tra trực thuộc Sở.
2. Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện việc quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng theo thẩm quyền trên địa bàn địa phương.
Điều 25. Trách nhiệm của Đơn vị kiểm tra
1. Thực hiện việc kiểm tra và cấp Giấy CNAT cho Xe theo quy định. Người đứng đầu Đơn vị kiểm tra và người trực tiếp thực hiện kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.
2. Phân công Đăng kiểm viên đã được tập huấn nghiệp vụ và được Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bổ nhiệm theo quy định thực hiện việc kiểm tra Xe.
3. Công khai trình tự, thủ tục, nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc; Sử dụng Chương trình phần mềm Quản lý xe máy chuyên dùng để đánh giá kết quả kiểm tra và in Giấy CNAT, Tem kiểm tra.
4. Quản lý sử dụng ấn chỉ, thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo, truyền số liệu theo quy định, chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng.
5. Quản lý, giám sát hoạt động kiểm tra, thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm tra của đơn vị.
6. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì độ chính xác, tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm tra theo quy định.
Điều 26. Trách nhiệm của người nhập nhập khẩu
1. Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng Xe nhập khẩu, tính trung thực và chính xác của các hồ sơ tài liệu đã cung cấp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2. Đảm bảo giữ nguyên trạng Xe khi nhập khẩu để Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc kiểm tra chất lượng.
3. Giữ gìn, không được sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ xác nhận kết quả kiểm tra đã được cấp và xuất trình khi có yêu cầu của người thi hành công vụ có thẩm quyền.
Điều 27. Trách nhiệm của Cơ sở sản xuất, lắp ráp, cải tạo
1. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và các quy định hiện hành khi sản xuất, lắp ráp, cải tạo Xe.
2. Xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm và đầu tư thiết bị kiểm tra phù hợp với sản xuất; tổ chức kiểm tra chất lượng cho từng sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm xuất xưởng.
3. Bảo quản, giữ gìn, không được sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ xác nhận kết quả kiểm tra đã được cấp và xuất trình khi có yêu cầu của người thi hành công vụ có thẩm quyền.
4. Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và theo dõi thông tin về các khách hàng mua sản phẩm để có thể thông tin khi cần thiết.
5. Thiết lập hệ thống thu thập các thông tin về chất lượng sản phẩm, phân tích các lỗi kỹ thuật và lưu trữ lại các thông tin có liên quan.
6. Chủ động báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến lỗi kỹ thuật. Trong quá trình Cục Đăng kiểm Việt Nam điều tra phải hợp tác đầy đủ và cung cấp các thông tin cần thiết khi được yêu cầu.
7. Thông báo các thông tin cần thiết liên quan đến việc triệu hồi cho các đại lý, trạm dịch vụ và khách hàng.
8. Hồ sơ sản phẩm phải được lưu trữ ít nhất 02 năm, kể từ thời điểm Cơ sở sản xuất ngừng sản xuất, lắp ráp kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại.
9. Hồ sơ cải tạo phải được lưu trữ ít nhất 02 năm, kể từ thời điểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận cải tạo.
Điều 28. Trách nhiệm của Chủ xe
1. Chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Xe giữa hai kỳ kiểm tra;
2. Không được làm giả, tẩy xóa, sửa chữa các chứng chỉ an toàn đã được cấp;
3. Cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan tới nội dung kiểm tra, nội dung quản lý hành chính, quản lý thông số kỹ thuật của Xe, kể cả việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho các Đơn vị kiểm tra;
4. Nộp lại Giấy CNAT và Tem kiểm tra khi có thông báo thu hồi của Đơn vị kiểm tra;
5. Giấy CNAT được giao cho chủ xe để xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng. Tem kiểm tra Xe được giao cho chủ xe để dán vào mặt trong của kính chắn gió phía trước hoặc vị trí dễ quan sát và khó bị hư hỏng. Mặt in chữ số tháng, năm hết hạn hướng ra ngoài và đảm bảo dễ quan sát từ phía trước.
Điều 29. Phí và lệ phí
Phí và lệ phí liên quan đến việc kiểm tra, chứng nhận được thu theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Lưu trữ hồ sơ
1. Hồ sơ kiểm tra quy định tại Điều 4 của Thông tư này và các tài liệu được thiết lập trong quá trình kiểm tra được lưu trữ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày cấp Chứng chỉ chất lượng.
2. Hồ sơ kiểm tra sản phẩm quy định tại Điều 8 của Thông tư này sau khi thẩm định và các tài liệu được thiết lập trong quá trình kiểm tra được lưu trữ tại cơ quan kiểm tra trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày cơ sở sản xuất dừng sản xuất, lắp ráp kiểu loại Xe đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại.
3. Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo quy định tại Điều 16 của Thông tư này sau khi thẩm định và các tài liệu được thiết lập trong quá trình kiểm tra được lưu trữ tại cơ quan kiểm tra trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận cải tạo.
4. Các giấy tờ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 21 của Thông tư này (gọi chung là Hồ sơ phương tiện) được lưu trữ trong suốt quá trình hoạt động của Xe. Các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 21 (bản chính); điểm a khoản 4 Điều 21 (bản sao chụp) của Thông tư này được lưu trữ tại Đơn vị kiểm tra trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày kiểm tra.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31. Áp dụng hồ sơ điện tử
Hồ sơ, tài liệu, chứng chỉ chất lượng có thể được sử dụng bản điện tử thay thế cho bản giấy khi áp dụng thủ tục trên cổng thông tin điện tử.
Điều 32. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2016, bãi bỏ các Thông tư và nội dung quy định tại các Thông tư sau đây:
a) Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng;
b) Thông tư số 41/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng;
c) Điều 1 và Điều 4 của Thông tư số 19/2014/TT-BGTVT ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, đối với các nội dung liên quan đến xe máy chuyên dùng.
2. Các loại Chứng chỉ cấp cho Xe trước ngày có hiệu lực của Thông tư này vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên Chứng chỉ đó.
Điều 33. Tổ chức thực hiện
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản theo quy định./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
A. MẪU GIẤY ĐĂNG KÝ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
-----------
BẢN ĐĂNG KÝ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Application form for technical safety quality and environmental protection inspection for imported transport construction machinery-TCM)
Kính gửi (To): Cục Đăng kiểm Việt Nam
Người nhập khẩu (Importer):
Địa chỉ (Address):
Mã số thuế (Tax code): Thư điện tử (Email):
Người đại diện (Representative): Số điện thoại (Telephone N0)
Đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu với các nội dung sau (Request for technical safety quality and environmental protection inspection for imported TCM with the following contents):
Hồ sơ kèm theo (Attached document):
+ Hóa đơn thương mại/giấy tờ tương đương (Commerce invoice /equivalent document):
+ Số lượng Bản thông tin xe máy chuyên dùng (Quantity of information sheets):
+ Số lượng xe (Quantity of TCMs):
+ Các giấy tờ khác (Other related documents):
Thời gian và Địa điểm kiểm tra dự kiến (Anticipated inspection site and date):
Người liên hệ (Contact person):
Số điện thoại (Telephone N0): Thư điện tử (Email):
Xác nhận của Cơ quan kiểm tra |
(Date) , ngày tháng năm |
B. MẪU BẢN KÊ CHI TIẾT XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BẢN KÊ CHI TIẾT XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(List of imported transport construction machinery)
(Kèm theo Bản đăng ký kiểm tra số (Attached to Application form with Registered N0 for inspection): )
Số TT |
Loại xe máy chuyên dùng |
Nhãn hiệu/Tên thương mại |
Số khung (hoặc số PIN hoặc số sê ri) |
Số động cơ |
Năm sản xuất |
Màu sơn |
Giá nhập khẩu |
Loại tiền tệ |
Tình trạng máy chuyên dùng |
1. |
|
/ |
|
|
|
|
|
|
|
2. |
|
/ |
|
|
|
|
|
|
|
3. |
|
/ |
|
|
|
|
|
|
|
4. |
|
/ |
|
|
|
|
|
|
|
5. |
|
/ |
|
|
|
|
|
|
|
6. |
|
/ |
|
|
|
|
|
|
|
C. MẪU BẢN XÁC NHẬN KẾ HOẠCH KIỂM TRA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BẢN XÁC NHẬN KẾ HOẠCH KIỂM TRA
(CONFIRMATION OF INSPECTION SCHEDULE)
Người nhập khẩu (Importer):
Số đăng ký kiểm tra (Registered N0 for inspection):
Số/ ngày Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (Customs declaration N0/date): /
Mã chi cục Hải quan (Customs office code): Mã phân loại kiểm tra TKHQ (Inspection kind classification code):
Kết quả kiểm hóa (Result of physical examination): Ngày giải phóng hàng (Date of goods release):
Thời gian kiểm tra (Inspection date): Địa điểm kiểm tra (Inspection site):
Người liên hệ (Contact person): Số điện thoại (Telephone N0):
TT |
Loại xe máy chuyên dùng |
Nhãn hiệu/Tên thương mại |
Số khung (hoặc số PIN hoặc số sê ri) |
Số động cơ |
Ghi chú |
1 |
|
/ |
|
|
|
2 |
|
/ |
|
|
|
3 |
|
/ |
|
|
|
4 |
|
/ |
|
|
|
5 |
|
/ |
|
|
|
6 |
|
/ |
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
MẪU BẢN THÔNG TIN XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BẢN THÔNG TIN XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Information sheet of imported transport construction machinery)
I. THÔNG TIN CHUNG (General information)
1. Người nhập khẩu (Importer):
2. Địa chỉ (Address):
3. Người đại diện (Representative):
4. Số điện thoại (Telephone N0):
5. Thư điện tử (Email):
6. Số tham chiếu (Reference certificate N0):
7. Số báo cáo thử nghiệm an toàn (Safety test report N0):
8. Số báo cáo thử nghiệm khí thải (Emission test report N0):
9. Số báo cáo COP (COP report N0):
10. Loại xe máy chuyên dùng (TCM’s type):
11. Nhãn hiệu (Trade mark):
12. Tên thương mại (Commercial name):
13. Mã kiểu loại (Model code):
14. Nước sản xuất (Production country):
15. Nhà máy sản xuất (Production Plant):
16. Địa chỉ nhà máy sản xuất (Address of Production Plant):
17. Tiêu chuẩn khí thải (Emission standard):
18. Số đăng ký kiểm tra (Registered N0 for inspection):
II. THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN (Major Technical Specification)
1. Khối lượng bản thân (Kerb mass): kg
2. Kích thước bao: Dài x Rộng x Cao (Overall dimensions L x W x H): x x mm
3. Động cơ (Engine) (áp dụng đối với động cơ của hệ thống di chuyển và chỉ được nhập 1 trong 2 loại động cơ sau)
3.1. Động cơ đốt trong (Internal combustion engine):
3.1.1. Ký hiệu, loại động cơ (Engine model, engine type: ,
3.1.2. Loại nhiên liệu (Fuel):
3.1.3. Công suất lớn nhất / tốc độ quay (Max. output/rpm): / kW/rpm
3.2. Động cơ điện (Electric motor)
3.2.1. Ký hiệu, loại động cơ (Motor model, motor type): ,
3.2.2. Điện áp hoạt động (Operation voltage): (V)
3.2.3. Công suất lớn nhất (Max. rated power): (kW)
3.2.4. Loại ắc quy (Battery): / (V)- (Ah)
4. Vận tốc di chuyển lớn nhất (Max. travelling speed): km/h
III. THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẶC TRƯNG (Special technical specification)
Được ghi nhận theo từng loại XMCD được hướng dẫn tại bảng đính kèm
(Determined according to attached special technical specification)
IV. TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM (Attached documents)
1. Tài liệu kỹ thuật (Technical documents):
2. Giấy chứng kiểu loại (Certificate of Type approval):
3. Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất (Manufacture's Certificate of Quality):
4. Các giấy tờ khác (Other related documents):
V. BẢN KÊ CHI TIẾT XE NHẬP KHẨU CÙNG KIỂU LOẠI (List of same type-imported TCM)
Số TT (N0) |
Số khung (hoặc số PIN hoặc số sê ri) (Chassis or PIN or serial N0) |
Số động cơ (Engine N0) |
Năm sản xuất (Production year) |
Màu sơn (color) |
Giá nhập khẩu (Unit Price) |
Loại tiền tệ (Currency) |
Tình trạng xe máy chuyên dùng (TCM’s status) |
1. |
|
|
|
|
|
|
|
2. |
|
|
|
|
|
|
|
3. |
|
|
|
|
|
|
|
4. |
|
|
|
|
|
|
|
5. |
|
|
|
|
|
|
|
6. |
|
|
|
|
|
|
|
|
(Date) , ngày tháng năm |
VI. THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẶC TRƯNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(SPECIAL TECHNICAL SPECIFICATION OF TRANSPORT CONSTRUCTION MACHINERY IMPORTED)
Loại xe máy chuyên dùng |
Thông số kỹ thuật đặc trưng |
Đơn vị (Unit) |
|||
1. Máy làm đất và vật liệu |
|
||||
1.1. Máy ủi |
Chiều cao lưỡi ủi (Blade height) Chiều rộng lưỡi ủi (Blade width) Chiều cao nâng lưỡi ủi (Blade lifting height) |
mm mm mm |
|
||
1.2. Máy san |
Chiều cao lưỡi san (Blade height) Chiều rộng lưỡi san (Blade width) Bán kính quay vòng nhỏ nhất (Min turning radius) |
mm mm mm |
|
||
1.3. Máy đào bánh lốp |
Thể tích gầu (Bucket capacity) Kiểu gầu (Bucket type) Bán kính đào nhất (Max digging reach) Chiều cao đổ lớn nhất (Max dumping clearance) |
m3
mm mm |
|
||
1.4. Máy đào bánh xích |
|
||||
1.5. Máy đào tường vây |
|
||||
1.6. Máy xúc đào |
Thể tích gầu xúc (Bucket capacity) Chiều cao đổ lớn nhất (Max dumping clearance) Thể tích gầu đào (Backhoe bucket capacity) Bán kính đào lớn nhất (Max digging reach) |
m3 mm m3 mm |
|
||
1.7. Máy đào, vận chuyển vật liệu |
Thể tích gầu (Bucket capacity) Bán kính đào lớn nhất (Max digging reach) Chiều cao đổ lớn nhất (Max dumping clearance) Năng suất vận chuyển của băng tải (Conveyor capacity) |
m3 mm mm m3/h |
|
||
1.8. Máy cào, vận chuyển vật liệu |
|
||||
1.9. Máy đào rãnh bánh xích |
Chiều rộng rãnh đào lớn nhất (Max digging width) Chiều sâu rãnh đào lớn nhất (Max digging depth) Năng suất đào (Digging capacity) |
mm mm m3/h |
|
||
1.10. Máy đào rãnh bánh lốp |
|
||||
1.11. Máy xúc lật bánh lốp |
Thể tích gầu (Bucket capacity) Chiều cao đổ lớn nhất (Max dumping clearance) Tầm với đổ (Dumping reach) |
m3 mm mm |
|
||
1.12. Máy xúc lật bánh xích |
|
||||
1.13. Máy cạp |
Thể tích thùng chứa (Tank capacity) Chiều rộng cắt đất lớn nhất (Max cutting width) Chiều sâu cắt đất lớn nhất (Max cutting depth) |
m3 mm mm |
|
||
2. Thiết bị nâng |
|
||||
2.1. Cần trục bánh xích |
Sức nâng lớn nhất theo thiết kế (Max design lifting capacity) Cần (Boom): Loại cần/ số đoạn/ chiều dài (Type/ number of sections/ length) Tầm với lớn nhất (Max working radius) Chiều cao nâng lớn nhất (Max lifting height) |
kG
m m |
|
||
2.2. Cần trục bánh lốp |
Sức nâng lớn nhất theo thiết kế (Max design lifting capacity) Cần (Boom): Loại cần/ số đoạn/ chiều dài (Type/ number of sections/ length) Tầm với lớn nhất của cần chính (Max working radius of Boom) Tầm với lớn nhất của cần phụ (Max working radius of Jip) Chiều cao nâng lớn nhất của cần chính (Max lifting height of Boom) Chiều cao nâng lớn nhất của cần phụ (Max lifting height of Jip) |
kG
m m m m |
|
||
2.3. Cần trục bánh lốp tay lái nghịch |
|
||||
2.4. Cần trục bánh lốp tay lái nghịch chuyển đổi |
|
||||
2.5. Xe nâng |
Sức nâng lớn nhất theo thiết kế (Max design lifting capacity) Chiều cao nâng lớn nhất (Max lifting height) Vận tốc nâng lớn nhất khi có tải (Max speeds lifting with load) Khoảng cách trục (Wheel space) |
kG m m/phút mm |
|
||
2.6. Xe nâng tổng đoạn (loại chuyên dùng nâng và vận chuyển trong đóng tầu) |
|
||||
2.7. Xe nâng Container |
|
||||
2.8. Xe nâng Container rỗng |
|
||||
2.9. Xe nâng người làm việc trên cao |
|
||||
3. Xe, máy và thiết bị gia cố nền móng, mặt đường |
|
||||
3.1. Máy khoan đá |
Mô men khoan lớn nhất (Max rotation torque) Đường kính lỗ khoan lớn nhất (Max drilling diameter) Chiều sâu khoan lớn nhất (Max drilling depth) |
kN.m mm m |
|
||
3.2. Máy khoan cọc nhồi |
Vật liệu cọc nhồi (Materials) Đường kính lỗ khoan lớn nhất (Max drilling diameter) Chiều sâu khoan lớn nhất (Max drilling depth) |
(*) mm m |
|
||
3.3. Máy khoan cọc nhồi chạy trên ray |
|
||||
3.4. Máy khoan định hướng ngang |
Mô men khoan lớn nhất (Max rotation torque) Đường kính lỗ khoan lớn nhất (Max drilling diameter) Lực đẩy/rút mũi khoan lớn nhất (Max push/draw force) |
kN.m mm kN |
|
||
3.5. Máy khoan hầm |
Đường kính lỗ khoan lớn nhất (Max drilling diameter) Chiều sâu khoan lớn nhất (Max drilling depth) Năng suất vận chuyển của băng tải (Conveyor capacity) |
mm mm m3/h |
|
||
3.6. Máy đóng cọc |
Kích thước cọc lớn nhất (Max pile dimension) Khối lượng quả búa cho phép lớn nhất (Max hammer mass) Chiều cao giá búa (Guide height) |
mm kg m |
|
||
3.7. Máy đóng, nhổ cọc hộ lan đường bộ |
Kích thước cọc lớn nhất (Max pile dimension) Lực đóng/nhổ cọc lớn nhất (Max push/draw force) Chiều cao giá búa (Guide height) |
mm kN mm |
|
||
3.8. Máy ép cọc bấc thấm |
Chiều sâu cắm bấc (Working depth) Lực ép lớn nhất (Max push force) Chiều cao giá ép cọc bấc thấm (Guide height) |
mm kN mm |
|
||
3.9. Xe lu tĩnh bánh thép |
Áp lực đầm bánh lu trước (Front rolls linear load) Áp lực đầm bánh lu sau (Rear rolls linear load) Khối lượng xe khi gia tải (Operating mass) Số lượng/Kích thước bánh lu trước (Quantity/Front roller size) Số lượng/Kích thước bánh lu sau (Quantity/Rear roller size) |
N/cm N/cm kg mm mm |
|
||
3.10. Xe lu tĩnh bánh lốp |
Khối lượng xe khi gia tải (Operating mass) Số lượng/cỡ lốp trước (Quantity/size of front tyre) Số lượng/cỡ lốp sau (Quantity/size of rear tyre) |
kg |
|
||
3.11. Xe lu rung |
Lực rung lớn nhất (Max vibration force) Biên độ rung (Vibration amplitude) Tần số rung (Vibration frequency) Số lượng/Kích thước bánh lu trước (Quantity/Front roller size) Số lượng/Kích thước bánh lu sau (Quantity/Rear roller size) |
kN mm Hz mm |
|
||
3.12. Máy rải bê tông nhựa |
Chiều rộng vệt rải lớn nhất (Max paving width) Chiều dày lớp rải lớn nhất (Maxpaving thickness) Vận tốc rải (Paving speed) Năng suất rải (Paving capacity) |
mm mm m/phút m3/h |
|
||
3.13. Máy rải bê tông xi măng |
|
||||
3.14. Máy rải bê tông định hình |
|
||||
3.15. Máy cào bóc và tái chế nguội mặt đường |
Chiều rộng vệt cắt (Working width) Chiều sâu cắt lớn nhất (Max cutting depth) Đường kính rôto cắt (Roto diameter) |
mm mm mm |
|
||
3.16. Máy cào bóc mặt đường. |
|
||||
3.17. Máy gia cố bề mặt đường |
Chiều rộng vệt cắt (Working width) Đường kính rôto cắt (Roto diameter) Chiều rộng vệt rải lớn nhất (Max paving width) |
mm mm mm |
|
||
3.18. Xe tạo xung chấn |
Khối lượng của búa (Hammer mass) Áp lực tạo xung (Vibration pressure) Khoảng cách trục (Wheel space) |
kg N/cm2 mm |
|
||
4. Xe, máy và thiết bị sản xuất bê tông và vật liệu cho bê tông |
|
||||
4.1. Máy bơm bê tông |
Công suất bơm (Pumping capacity) Đường kính ống bơm (pipe diameter) Chiều cao bơm lớn nhất (Max pumping height) Khoảng cách trục (Wheel space) |
m3/h mm m mm |
|
||
4.2. Xe bơm bê tông |
|
||||
4.3. Xe phun bê tông |
|
||||
4.4. Máy nghiền đá và vận chuyển bằng băng tải |
Năng suất nghiền (Crushing capacity) Cỡ đá đầu ra (Output stone size) Chiều cao đổ tải lớn nhất (Max dumping clearance) |
m3/h mm mm |
|
||
4.5. Máy nghiền, sàng đá |
|
||||
5. Các loại xe máy chuyên dùng phục vụ trong sân gofl, khu vui chơi giải trí, kho cảng, bến bãi và trong sân bay |
|
||||
5.1. Xe địa hình |
Khoảng cách trục (Wheel space) Số lượng/cỡ lốp trước (Quantity/size of front tyre) Số lượng/cỡ lốp sau (Quantity/size of rear tyre) |
mm
|
|
||
5.2. Xe chở hàng |
Khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế (Designed cargo mass) |
kg |
|
||
5.3. Xe phục vụ giải khát trong sân golf |
Khoảng cách trục (Wheel space) |
mm |
|
||
5.4. Xe chở hàng trong sân golf |
|
||||
5.5. Xe lu cỏ trong sân golf |
Kích thước bánh lu trước (Front roller size) Kích thước bánh lu sau (Rear roller size) Khoảng cách trục (Wheel space) |
mm mm mm |
|
||
5.6. Xe phun, tưới dùng trong sân golf |
Năng suất phun (Spraying capacity) Bán kính phun (Working radius) Dung tích xi téc (Tank capacity) Khoảng cách trục (Wheel space) |
l/h mm m3 mm |
|
||
5.7. Xe phun, tưới chất lỏng |
|
||||
5.8. Xe san cát trong sân golf |
Chiều cao lưỡi san (Blade height) Chiều rộng lưỡi san (Blade width) Số lượng/cỡ lốp trước (Quantity/size of front tyre) Số lượng/cỡ lốp sau (Quantity/size of rear tyre) Khoảng cách trục (Wheel space) |
mm mm
mm |
|
||
5.9. Xe cấp nước cho máy bay |
Dung tích xi téc (Tank capacity) Công suất của bơm (Pumping capacity) Khoảng cách trục (Wheel space) |
m3 m3/h mm |
|
||
5.10. Xe chuyên dùng vệ sinh máy bay |
Dung tích xi téc chứa chất thải (Waste tank capacity) Công suất của bơm hút (Suction pump capacity) Dung tích xi téc chứa nước sạch (Water tank capacity) Công suất của bơm đẩy (Push pump capacity) Khoảng cách trục (Wheel space) |
m3 m3/h m3 m3/h mm |
|
||
5.11. Xe thang hành khách lên máy bay |
Khả năng chịu tải của thang (Loading capacity) Chiều cao sàn lớn nhất (Max floor height) Chiều cao sàn nhỏ nhất (Min floor height) Khoảng cách trục (Wheel space) |
kG mm mm mm |
|
||
5.12. Xe băng tải vận chuyển hành lý |
Khả năng chịu tải của băng tải (Loading capacity) Chiều rộng băng tải (Conveyor width) Chiều cao dỡ hàng (Dumping height) Khoảng cách trục (Wheel space) |
kG mm mm mm |
|
||
5.13. Xe hút chất thải vệ sinh cho máy bay |
Dung tích xi téc chứa chất thải (Waste tank capacity) Công suất của bơm (Pumping capacity) Khoảng cách trục (Wheel space) |
m3 m3/h mm |
|
||
5.14. Xe nạp nhiên liệu cho máy bay |
Công suất nạp (Charging capacity) Dung tích xi téc (Tank capacity) Khoảng cách trục (Wheel space) |
lít/phút m3 mm |
|
||
5.15. Xe kéo đẩy tầu bay |
Khối lượng kéo theo theo thiết kế (Designed towed mass) Khoảng cách trục (Wheel space) Bán kính quay vòng nhỏ nhất (Min turning radius) |
kg mm mm |
|
||
6. Các loại xe máy chuyên dùng khác |
|
||||
6.1. Xe sơn kẻ đường |
Dung tích xi téc chứa sơn (Tank capacity) Chiều rộng vệt kẻ (Paint line width) Vận tốc làm việc lớn nhất (Max working speed) Khoảng cách trục (Wheel space) |
m3 mm m/phút mm |
|
||
6.2. Xe quét đường |
Chiều rộng vệt chổi chính (Main brush width) Chiều rộng vệt chổi phụ (Side brush width) Dung tích thùng chứa rác (Trash Tank capacity) Khoảng cách trục (Wheel space) |
mm mm m3 m |
|
||
6.3. Xe quét, chà sàn |
|
||||
6.4. Xe quét nhà xưởng |
|
||||
6.5. Xe tự đổ bánh lốp |
Khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế (Designed cargo mass) Thể tích thùng chở hàng (Cargo volume) Khoảng cách trục (Wheel space) |
kg m3 mm |
|
||
6.6. Xe tự đổ bánh xích |
|
||||
6.7. Xe kéo |
Khối lượng kéo theo theo thiết kế (Designed towed mass) Số lượng/cỡ lốp trước (Quantity/size of front tyre) Số lượng/cỡ lốp sau (Quantity/size of rear tyre) Khoảng cách trục (Wheel space) |
kg
mm |
|
||
6.8. Máy kéo |
|
||||
6.9. Máy cắt đá |
Năng suất cắt (Capacity) Đường kính lưỡi cắt (Saw diameter) Tốc độ quay của lưỡi cắt (Rotated speed) |
m/p mm rpm |
|
||
6.10. Tổ hợp máy đào giếng hố ga |
Thể tích gầu đào (Bucke capacity) Đường kính hố đào (Hole diameter) Đường kính mở gầu (Opening bucket diameter) |
m3 mm mm |
|
||
6.11. Xe chuyên dùng trộn rác |
Năng suất trộn (Mixing capacity) Số lượng/cỡ lốp trước (Quantity/size of front tyre) Số lượng/cỡ lốp sau (Quantity/size of rear tyre) Khoảng cách trục (Wheel space) |
m3/h
mm |
|
||
6.12. Xe chuyên dùng chở vật liệu |
Khối lượng hàng chuyên chở (Load capacity) Thể tích thùng chở hàng (Cargo volume) Khoảng cách trục (Wheel space) |
kg m3 mm |
|
||
6.13. Xe chuyên dùng chở xỉ |
|
||||
6.14. Xe chở hàng trong nhà xưởng |
|
||||
6.15. Xe chuyên dùng khai thác gỗ |
Đường kính lưỡi cưa (Saw diameter) Tốc độ quay của lưỡi cưa (Rotated speed) Số lượng/cỡ lốp trước (Quantity/size of front tyre) Số lượng/cỡ lốp sau (Quantity/size of rear tyre) Khoảng cách trục (Wheel space) |
mm rpm
mm |
|
||
6.16. Máy xếp, dỡ vật liệu bánh lốp |
Khối lượng xếp, dỡ lớn nhất (Max Load capacity) Chiều cao xếp, dỡ lớn nhất (Max dumping clearance) Bán kính làm việc lớn nhất (Max working radius) |
kg mm mm |
|
||
6.17. Máy xếp, dỡ vật liệu bánh xích |
|
||||
6.18. Máy kẹp gỗ bánh lốp |
|
||||
6.19. Máy kẹp gỗ bánh xích |
|
||||
6.20. Máy búa phá dỡ bánh xích |
Kiểu thiết bị phá (Demolition equipment type) Bán kính làm việc lớn nhất (Max working radius) Chiều cao làm việc lớn nhất (Max working height) |
mm mm |
|
||
6.21. Máy búa phá dỡ bánh lốp |
|
||||
6.22. Máy phá dỡ |
|
||||
7. Xe máy chuyên dùng khác |
Thông số kỹ thuật 1 Thông số kỹ thuật 2 Thông số kỹ thuật 3 ………………….. |
|
|
||
Ghi chú:
(*): Cho phép chọn: Bê tông cốt thép, cát, vữa bê tông, xi măng
MẪU THÔNG BÁO MIỄN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số (N0): |
|
THÔNG BÁO MIỄN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU Người nhập khẩu (Importer): Địa chỉ (Address): Loại xe máy chuyên dùng (TCM’s type): Nhãn hiệu (Trade mark): Tên thương mại (Commercial name): Mã kiểu loại (Model code): Số khung (Chassis N0): Số động cơ (Engine N0): Nước sản xuất (Production country): Năm sản xuất (Production year): Số tờ khai hàng hóa nhập khẩu/ngày (Customs declaration No/date): / Thời gian/Địa điểm kiểm tra (Inspection date/site): / Số biên bản kiểm tra (Inspection record N0): Số đăng ký kiểm tra (Registered N0 for inspection): THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN Khối lượng bản thân (Kerb mass): kg Kích thước bao: Dài x Rộng x Cao (Overall dimensions L x W x H): mm Ký hiệu, loại động cơ (Engine model, engine type): Ký hiệu, loại động cơ điện (Motor model, motor type): Loại nhiên liệu (Fuel): Loại ắc quy/điện áp-dung lượng (Type of battery/voltage-capacity): V-Ah Công suất lớn nhất của động cơ/ tốc độ quay (Max. engine output/rpm): kW/rpm Công suất lớn nhất của động cơ điện (Max. motor rated power): kW Vận tốc di chuyển lớn nhất (Max. travelling speed): km/h THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẶC TRƯNG Xe máy chuyên dùng được miễn kiểm tra theo theo Thông tư số /2015/TT-BGTVT ngày tháng năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. This TCM has been exempted from inspection in compliance with the Circular N0 /2015/TT-BGTVT issued on /2015 by Minister of Ministry of Transport.
|
|
Ghi chú (Remarks): |
(Date) , ngày tháng năm |
Lưu ý: Thông báo miễn này sẽ không còn giá trị nếu chất lượng của xe máy chuyên dùng đã kiểm tra bị ảnh hưởng do vận chuyển, bảo quản, bốc xếp v.v... Note: This certipicate will be expired if quality of the inspected TCM is influenced by carrying, landing, storing, etc... |
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số (N0): |
|
GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU Tình trạng xe máy chuyên dùng (TCM’s status): Người nhập khẩu (Importer): Địa chỉ (Address): Loại xe máy chuyên dùng (TCM’s type): Nhãn hiệu (Trade mark): Tên thương mại (Commercial name): Mã kiểu loại (Model code): Số khung (Chassis N0): Số động cơ (Engine N0): Nước sản xuất (Production country): Năm sản xuất (Production year): Số tờ khai hàng hóa nhập khẩu/ngày (Customs declaration No/date): / Thời gian/Địa điểm kiểm tra (Inspection date/site): / Số biên bản kiểm tra (Inspection record N0): Số đăng ký kiểm tra (Registered N0 for inspection): THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN Khối lượng bản thân (Kerb mass): kg Kích thước bao: Dài x Rộng x Cao (Overall dimensions L x W x H): mm Ký hiệu, loại động cơ (Engine model, engine type): Ký hiệu, loại động cơ điện (Motor model, motor type): Loại nhiên liệu (Fuel): Loại ắc quy/điện áp-dung lượng (Type of battery/voltage-capacity): V-Ah Công suất lớn nhất của động cơ/ tốc độ quay (Max. engine output/rpm): kW/rpm Công suất lớn nhất của động cơ điện (Max. motor rated power): kW Vận tốc di chuyển lớn nhất (Max. travelling speed): km/h THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẶC TRƯNG Xe máy chuyên dùng đã được kiểm tra và đạt yêu cầu theo Thông tư số /2015/TT-BGTVT ngày tháng năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. This TCM has been inspected and satified with requirements of the Circular N0 /2015/TT-BGTVT issued on /2015 by Minister of Ministry of Transport.
|
|
Ghi chú (Remarks):
|
(Date) , ngày tháng năm |
Lưu ý: Giấy chứng nhận này sẽ không còn giá trị nếu chất lượng của xe máy chuyên dùng đã kiểm tra bị ảnh hưởng do vận chuyển, bảo quản, bốc xếp v.v... Note: This certificate will be expired if quality of the inspected TCM is influenced by carrying, landing, storing, etc... |
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt
MẪU THÔNG BÁO KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số (N0): |
|
THÔNG BÁO KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU Tình trạng xe máy chuyên dùng (TCM’s status): Người nhập khẩu (Importer): Địa chỉ (Address): Loại xe máy chuyên dùng (TCM’s type): Nhãn hiệu (Trade mark): Tên thương mại (Commercial name): Mã kiểu loại (Model code): Số khung (Chassis No): Số động cơ (Engine No): Nước sản xuất (Production country): Năm sản xuất (Production year): Số tờ khai hàng hóa nhập khẩu/ngày (Customs declaration No/date): / Thời gian/Địa điểm kiểm tra (Inspection date/site): / Số biên bản kiểm tra (Inspection record N0): Số đăng ký kiểm tra (Registered No for inspection): Xe máy chuyên dùng được kiểm tra và không đạt yêu cầu theo Thông tư số /2015/TT-BGTVT ngày tháng năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. This TCM has been inspected and not satisfied with requirements of the Circular N0 /2015/TT-BGTVT issued on 2015 by Minister of Ministry of Transport. Lý do không đạt (Reasons of non-conformity):
|
|
|
(Date) , ngày tháng năm |
Nơi nhận (Destination):
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt
MẪU BIÊN BẢN GHI NHẬN TÌNH TRẠNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG VI PHẠM QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 187/2013/NĐ-CP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BIÊN BẢN GHI NHẬN TÌNH TRẠNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG VI PHẠM QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 187/2013/NĐ-CP
Theo đề nghị của: ………………………………………………………………………………
Hôm nay, ngày …. tháng ….. năm ……, tại …………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………….
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành kiểm tra phương tiện sau:
- Nhãn hiệu / số loại: ……………………………………………………………………………
- Số khung: ………………………………… Số động cơ: ……………………………….
- Số đăng ký kiểm tra: ……………………. Số tờ khai: …………………………………
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, các giấy tờ có liên quan và đối chiếu với quy định hiện hành, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy phương tiện nêu trên đã vi phạm quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, cụ thể là:
……………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………..
Biên bản này được lập thành hai (02) bản chính, cơ quan kiểm tra chất lượng giữ một (01) bản và tổ chức, cá nhân nhập khẩu giữ một (01) bản.
Đại diện tổ chức, cá nhân |
Đại diện cơ quan kiểm tra |
MẪU THÔNG BÁO
XE MÁY CHUYÊN DÙNG NHẬP KHẨU VI PHẠM NGHỊ ĐỊNH 187/2013/NĐ-CP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số (N0): |
|
THÔNG BÁO Tình trạng xe máy chuyên dùng (TCM’s status): Người nhập khẩu (Importer): Địa chỉ (Address): Loại xe máy chuyên dùng (TCM’s type): Nhãn hiệu (Trade mark): Tên thương mại (Commercial name): Mã kiểu loại (Model code): Số khung (Chassis No): Số động cơ (Engine No): Nước sản xuất (Production country): Năm sản xuất (Production year): Số tờ khai hàng hóa nhập khẩu/ngày (Customs declaration No/date): / Thời gian/Địa điểm kiểm tra (Inspection date/site): / Số biên bản kiểm tra (Inspection record N0): Số đăng ký kiểm tra (Registered No for inspection): Xe máy chuyên dùng nhập khẩu nêu trên vi phạm Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. This imported TCM has been violated to the 187/2013/NĐ-CP Decree issued by Vietnam Government on November 20th, 2013. Nội dung vi phạm (Description of Violation):
|
|
|
(Date) , ngày tháng năm |
Nơi nhận (Destination):
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
MẪU NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ
A. Thuyết minh thiết kế kỹ thuật Xe
Thuyết minh thiết kế kỹ thuật Xe phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây:
1) Lời nói đầu: Trong phần này cần giới thiệu được mục đích của việc thiết kế sản phẩm và các yêu cầu mà thiết kế cần phải đáp ứng.
2) Bố trí chung của xe thiết kế, tính toán về khối lượng và phân bố khối lượng, tính toán lựa các tổng thành hệ thống lắp trên xe, thuyết minh về đặc tính kỹ thuật cơ bản của xe thiết kế.
3) Tính toán các đặc tính động học, động lực học và kiểm nghiệm bền các chi tiết, tổng thành, hệ thống theo các nội dung như sau:
Stt |
Nội dung tính toán |
Lắp trên xe cơ sở |
Lắp từ linh kiện rời |
1 |
Tính toán cơ cấu di chuyển |
--- |
x |
2 |
Tính toán cơ cấu quay |
--- |
x |
3 |
Tính toán hệ thống công tác |
x |
x |
4 |
Tính toán hệ thống thủy lực |
x |
x |
5 |
Tính toán cơ cấu phanh, dẫn động phanh di chuyển |
--- |
x |
6 |
Tính toán liên kết của hệ thống công tác với khung, dầm chính |
x |
x |
7 |
Tính toán ổn định của xe khi di chuyển lên dốc, xuống dốc |
x |
x |
8 |
Tính toán ổn định của xe khi xe hoạt động ở chế độ tải lớn nhất |
x |
x |
9 |
Các tính toán khác (nếu có): Chỉ áp dụng đối với những nội dung tính toán kiểm nghiệm bền cho các chi tiết, tổng thành khác tùy thuộc vào đặc điểm kết cấu cụ thể của từng loại Xe được thiết kế và loại hình sản xuất, lắp ráp thực tế |
x |
x |
Trường hợp có cơ sở để kết luận sự thỏa mãn về độ bền của các chi tiết, tổng thành, hệ thống thuộc các hạng mục bắt buộc phải tính toán kiểm nghiệm bền nêu trên thì trong thuyết minh phải nêu rõ lý do của việc không tính toán kiểm nghiệm bền đối với các hạng mục này.
4) Kết luận chung của bản thuyết minh;
5) Mục lục và các tài liệu tham khảo trong quá trình thiết kế.
B. Bản vẽ kỹ thuật:
- Bản vẽ bố trí chung của Xe;
- Bản vẽ lắp đặt của các tổng thành, hệ thống lên Xe (Riêng đối với các xe được thiết kế từ xe cơ sở thì chỉ là các bản vẽ lắp đặt của các tổng thành, hệ thống lên xe cơ sở);
- Bản vẽ kết cấu và các thông số kỹ thuật của các tổng thành, hệ thống sản xuất trong nước.
Các bản vẽ kỹ thuật nói trên phải được trình bày theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số (N0): |
|
GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ
Căn cứ vào hồ sơ thiết kế số: Căn cứ vào kết quả thẩm định tại biên bản thẩm định số: CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM Chứng nhận: Ký hiệu thiết kế: Cơ sở thiết kế: Địa chỉ: Cơ sở sản xuất, lắp ráp: Địa chỉ:
ĐÃ ĐƯỢC CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM THẨM ĐỊNH (Nội dung chính của bản thiết kế)
|
|
|
Hà Nội, ngày tháng năm
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
MẪU HẠNG MỤC VÀ ĐỐI TƯỢNG PHẢI KIỂM TRA AN TOÀN CHẤT LƯỢNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM THIẾT KẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
HẠNG MỤC VÀ ĐỐI TƯỢNG PHẢI KIỂM TRA AN TOÀN CHẤT LƯỢNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM THIẾT KẾ
Stt |
Hạng mục kiểm tra |
1 |
Số nhận dạng (số khung) |
2 |
Kiểm tra tổng quát |
3 |
Kiểm tra cơ cấu di chuyển |
4 |
Kiểm tra cơ cấu quay |
5 |
Kiểm tra hệ thống công tác |
6 |
Kiểm tra hệ thống thủy lực |
8 |
Kiểm tra cơ cấu phanh, dẫn động phanh di chuyển |
9 |
Kiểm tra liên kết của hệ thống công tác với khung, dầm chính |
10 |
Kiểm tra ổn định của xe khi di chuyển lên dốc, xuống dốc |
11 |
Kiểm tra ổn định của xe khi xe hoạt động ở chế độ tải lớn nhất |
12 |
Kiểm tra khí thải |
13 |
Kiểm tra tiếng ồn |
14 |
Kiểm tra hoạt động có tải |
MẪU BẢN THÔNG TIN XE MÁY CHUYÊN DÙNG SẢN XUẤT, LẮP RÁP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BẢN THÔNG TIN XE MÁY CHUYÊN DÙNG SẢN XUẤT LẮP RÁP
(Information sheet of manufactured/ assembled transport construction machinery)
I. THÔNG TIN CHUNG (General information)
1. Người sản xuất, lắp ráp (Manufacturer):
2. Địa chỉ (Address):
3. Người đại diện (Representative):
4. Số điện thoại (Telephone N0):
5. Thư điện tử (Email):
6. Loại xe máy chuyên dùng (TCM’s type):
7. Nhãn hiệu (Trade mark)
8. Tên thương mại (Commercial name):
9. Mã kiểu loại (Model code):
10. Vị trí đóng số khung (position of chassis number)
11. Vị trí đóng số động cơ (position of engine number)
12. Số báo cáo kiểm tra sản phẩm mẫu (Product inspection report N0):
13. Số báo cáo COP (COP report N0):
14. Nhà máy sản xuất (Production Plant):
15. Địa chỉ nhà máy sản xuất (Address of Production Plant):
16. Số đăng ký kiểm tra (Registered N0 for inspection):
II. THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN (Major technical specification)
1. Khối lượng bản thân (Kerb mass): kg
2. Kích thước bao: Dài x Rộng x Cao (Overall dimensions L x W x H): x x mm
3. Động cơ (Engine)(*)
3.1. Động cơ đốt trong (Internal combustion engine):
3.1.1. Ký hiệu, loại động cơ (Engine model, engine type):
3.1.2. Loại nhiên liệu (Fuel kind):
3.1.3. Công suất lớn nhất của động cơ/ tốc độ quay (Max. output/ rpm): / kW/rpm
3.2. Động cơ sử dụng cho xe chạy điện (Electric motor of electric TCM)
3.2.1. Ký hiệu, loại động cơ (Motor model, motor type):
3.2.2. Điện áp (Voltage): (V)
3.2.3. Công suất (Output): (kW)
3.2.4. Loại ắc quy (Battery): / - (V-Ah)
4. Vận tốc di chuyển lớn nhất (Max travelling speed): km/h
III. THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẶC TRƯNG (Special technical specification)
Được ghi nhận theo từng loại xe máy chuyên dùng theo mục VI Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này
(determined according to attached special technical specification)
|
Cơ sở sản xuất (Manufacturer) |
MẪU BẢN THỐNG KÊ CÁC TỔNG THÀNH, HỆ THỐNG SẢN XUẤT TRONG NƯỚC VÀ NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BẢN THỐNG KÊ CÁC TỔNG THÀNH, HỆ THỐNG SẢN XUẤT TRONG NƯỚC VÀ NHẬP KHẨU
Nhãn hiệu: ………………….. Tên thương mại: ………………….. Mã kiểu loại: ………………….
TT |
Tổng thành, hệ thành |
Nguồn gốc |
Nơi sản xuất |
Giấy chứng nhận số |
||
Nhập khẩu |
Tự sản xuất |
Mua trong nước |
||||
1. Động cơ và hệ thống truyền lực |
|
|
|
|
|
|
1.1 |
…. |
|
|
|
|
- |
2. Cầu xe |
|
|
|
|
|
|
2.1 |
Lốp |
|
|
|
|
- |
2.2 |
…. |
|
|
|
|
|
3. Hệ thống lái |
|
|
|
|
- |
|
4. Hệ thống phanh |
|
|
|
|
|
|
4.1 |
Bình khí nén |
|
|
|
|
|
4.2 |
… |
|
|
|
|
- |
5. Hệ thống treo |
|
|
|
|
|
|
5.1 |
… |
|
|
|
|
- |
6. Hệ thống nhiên liệu |
|
|
|
|
- |
|
7. Hệ thống điện |
|
|
|
|
|
|
7.1 |
…. |
|
|
|
|
- |
8. Khung và thân vỏ |
|
|
|
|
|
|
8.1 |
…. |
|
|
|
|
- |
9. Kính chắn gió, kính cửa |
|
|
|
|
|
|
9.1 |
Kính chắn gió |
|
|
|
|
|
9.2 |
Kính cửa |
|
|
|
|
|
9.3 |
… |
|
|
|
|
|
10. Đèn chiếu sáng và tín hiệu |
|
|
|
|
|
|
10.1 |
Đèn chiếu sáng phía trước |
|
|
|
|
|
10.2 |
… |
|
|
|
|
- |
11. Gương chiếu hậu |
|
|
|
|
|
|
12. Cơ cấu chuyên dùng |
|
|
|
|
- |
|
13. Các phụ tùng khác (nếu có) |
|
|
|
|
- |
(Điền vào phần thích hợp)
Công ty chúng tôi cam kết sản phẩm nêu trên được sản xuất, lắp ráp từ các phụ tùng mới 100% và có nguồn gốc xuất xứ đúng như bản thống kê này. Nếu có gì sai khác, chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ghi chú: - Nếu áp dụng ghi “x”, không áp dụng ghi “-”; - Phụ tùng nhập khẩu ghi nước sản xuất, phụ tùng mua trong nước thì ghi rõ tên và địa chỉ Cơ sở sản xuất) |
Cơ sở sản xuất |
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG SẢN XUẤT, LẮP RÁP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số (N0): |
|
GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG SẢN XUẤT, LẮP RÁP Căn cứ vào hồ sơ đăng ký số: Ngày / / Pursuant to the Technical document N0 Date Căn cứ vào báo cáo kết quả đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng số: Ngày / / Pursuant to the result of C.O.P examination report N0 Date Căn cứ vào báo cáo kết quả kiểm tra số: Ngày / / Pursuant to the results of Testing report N0 Date CỤC TRƯỞNG CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN
THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN (Major technical specification) 1. Khối lượng bản thân (Kerb mass): kg 2. Kích thước bao: Dài x Rộng x Cao (Overall dimensions L x W x H): x x mm 3. Động cơ (Engine) 3.1. Động cơ đốt trong (Internal combustion engine): 3.1.1. Ký hiệu, loại động cơ (Engine model, engine type): 3.1.2. Loại nhiên liệu (Fuel kind): 3.1.3. Công suất lớn nhất của động cơ/ tốc độ quay (Max. output/rpm): / kW/rpm 3.2. Động cơ sử dụng cho xe chạy điện (Electric motor of electric TCM) 3.2.1. Ký hiệu, loại động cơ (Motor model, motor type): 3.2.2. Điện áp (Voltage): (V) 3.2.3. Công suất (Output): (kW) 3.2.4. Loại ắc quy ( 4. Vận tốc di chuyển lớn nhất (Max Travelling speed): km/ CÁC THÔNG SỐ ĐẶC TRƯNG (Special technical specification): Được cập nhật theo từng loại xe máy chuyên dùng (Determinded according to specific TCM’s type) Kiểu loại xe trên thoả mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng The TCM type is in compliance with current standards of the quality safety and environmental protection for TCM.
|
|
Ghi chú (Note):
|
Ngày tháng năm (Date)
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
MẪU PHIẾU KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG XUẤT XƯỞNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
PHẦN LƯU |
PHIẾU KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG XUẤT XƯỞNG |
||
|
Cơ sở sản xuất: Nhãn hiệu: Số khung: Số động cơ: |
Tên thương mại: Mã kiểu loại: Loại hình lắp ráp:
Ngày tháng năm |
|
|
Số phát hành của |
|
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHIẾU KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG XUẤT XƯỞNG Căn cứ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại số: ngày của Cục Đăng kiểm Việt Nam Căn cứ vào kết quả tự kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp Cơ sở sản xuất: đảm bảo rằng: Sản phẩm: Nhãn hiệu: Tên thương mại: Mã kiểu loại: Loại hình lắp ráp: Mầu sơn: Số khung: , đóng tại: Số động cơ: , đóng tại: do cơ sở chúng tôi sản xuất hoàn toàn phù hợp với sản phẩm mẫu đó được chứng nhận chất lượng và thỏa mãn các tiêu chuẩn hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng
|
||
|
Số phát hành |
Ngày tháng năm |
Phiếu này do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành. |
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên phiếu do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể
MẪU NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ CẢI TẠO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ CẢI TẠO
A. Thuyết minh thiết kế kỹ thuật Xe
Thuyết minh thiết kế kỹ thuật Xe phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây:
1. Giới thiệu mục đích cải tạo: Trong phần này cần giới thiệu được mục đích của cải tạo và các yêu cầu mà thiết kế cải tạo cần phải đáp ứng.
2. Đặc tính kỹ thuật cơ bản của Xe cải tạo trước và sau cải tạo.
3. Tính toán các đặc tính động học, động lực học và kiểm nghiệm bền các chi tiết, tổng thành, hệ thống theo các nội dung sau:
Thuyết minh thiết kế kỹ thuật Xe cải tạo được thể hiện trên giấy trắng khổ A4, có đóng dấu từng trang hoặc giáp lai; trang bìa có ký tên, đóng dấu của đại diện cơ sở thiết kế. Thuyết minh thiết kế bao gồm các nội dung sau:
STT |
Nội dung tính toán |
Nội dung cải tạo |
1 |
Tính toán cơ cấu di chuyển |
--- |
2 |
Tính toán cơ cấu quay |
--- |
3 |
Tính toán hệ thống công tác |
x |
4 |
Tính toán hệ thống thủy lực |
x |
5 |
Tính toán cơ cấu phanh, dẫn động phanh di chuyển |
--- |
6 |
Tính toán liên kết của hệ thống công tác với khung, dầm chính |
x |
7 |
Tính toán ổn định của xe khi di chuyển lên dốc, xuống dốc |
x |
8 |
Tính toán ổn định của xe khi xe hoạt động ở chế độ tải lớn nhất |
x |
9 |
Các tính toán khác (nếu có): Chỉ áp dụng đối với những nội dung tính toán kiểm nghiệm bền cho các chi tiết, tổng thành khác tùy thuộc vào đặc điểm kết cấu cụ thể của từng loại Xe được thiết kế và loại hình sản xuất, lắp ráp thực tế |
x |
Trường hợp có cơ sở để kết luận sự thỏa mãn về độ bền của các chi tiết, tổng thành, hệ thống thuộc các hạng mục bắt buộc phải tính toán kiểm nghiệm bền nêu trên thì trong thuyết minh phải nêu rõ lý do của việc không tính toán kiểm nghiệm bền đối với các hạng mục này.
4. Kết luận chung của bản thuyết minh.
5. Mục lục và các tài liệu tham khảo trong quá trình thiết kế.
B. Bản vẽ kỹ thuật:
1. Bản vẽ bố trí chung của Xe.
2. Bản vẽ lắp đặt của các tổng thành, hệ thống lên xe - Bản vẽ kết cấu và các thông số kỹ thuật của các tổng thành, hệ thống sản xuất trong nước.
Các bản vẽ kỹ thuật nói trên phải được trình bày theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
MẪU BẢN THÔNG TIN XE MÁY CHUYÊN DÙNG CẢI TẠO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BẢN THÔNG TIN XE MÁY CHUYÊN DÙNG CẢI TẠO
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Cơ sở cải tạo:
2. Địa chỉ:
3. Người đại diện:
4. Số điện thoại:
5. Thư điện tử:
6. Loại xe máy chuyên dùng:
7. Nhãn hiệu:
8. Tên thương mại:
9. Mã kiểu loại:
10. Nhà máy sản xuất:
II. THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN
1. Khối lượng bản thân: kg
2. Kích thước bao: Dài x Rộng x Cao mm
3. Động cơ:
3.1. Động cơ đốt trong:
3.1.1. Ký hiệu, loại động cơ:
3.1.2. Loại nhiên liệu:
3.1.3. Công suất lớn nhất của động cơ/ tốc độ quay: kW/rpm
3.2. Động cơ sử dụng cho xe chạy điện
3.2.1. Ký hiệu, loại động cơ:
3.2.2. Điện áp: (V)
3.2.3. Công suất: (kW)
3.2.4. Loại ắc quy: / - (V-Ah)
4. Vận tốc di chuyển lớn nhất: km/h
III. THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẶC TRƯNG
|
Được ghi nhận theo từng loại xe máy chuyên dùng
………………….,(date) Ngày tháng năm |
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ CẢI TẠO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: |
|
GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ CẢI TẠO Căn cứ vào hồ sơ thiết kế số: Căn cứ vào kết quả thẩm định tại biên bản thẩm định số: CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT Chứng nhận: Ký hiệu thiết kế: Cơ sở thiết kế: Địa chỉ: Loại xe máy chuyên dùng: Nhãn hiệu: Số khung: Số động cơ: Biển số đăng ký: (nếu đã được cấp) Chủ phương tiện Địa chỉ:
ĐÃ ĐƯỢC CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM THẨM ĐỊNH (Nội dung chính của bản thiết kế cải tạo)
|
|
|
Hà Nội, ngày tháng năm
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG CẢI TẠO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: |
|
GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG CẢI TẠO Liên:
Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo số: Loại xe máy chuyên dùng: Nhãn hiệu: Số khung: Số động cơ: Biển số đăng ký: (nếu đã được cấp) Chủ phương tiện Địa chỉ: Cơ sở cải tạo: Địa chỉ: Biên bản kiểm tra số: THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN (Được cập nhật theo từng loại xe máy chuyên dùng)
Chiếc xe trên thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng.
|
|
Ghi chú: |
Hà Nội, ngày tháng năm
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
MẪU GIẤY ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG TRONG KHAI THÁC SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------
GIẤY ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA AN TOÀN KỸ THUẬT
VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG TRONG KHAI THÁC SỬ DỤNG
(Sử dụng khi đề nghị kiểm tra ngoài đơn vị kiểm tra)
Kính gửi: …………………………………………
Chủ sở hữu: ……………………………………………………………………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: …………………………………………………………………………………..
Đề nghị …………………. đến kiểm tra các loại xe máy chuyên dùng được liệt kê ở bảng sau:
TT |
Loại xe máy chuyên dùng |
Biển đăng ký/ Số khung |
Nhãn hiệu |
Nước sản xuất |
Thời gian kiểm tra |
Địa điểm kiểm tra |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mọi thông tin xin liên hệ với Ông/Bà …………… theo số điện thoại: ………….; số Fax:…………….
|
…….., ngày… tháng… năm ... |
MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BIÊN BẢN KIỂM TRA AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG KHAI THÁC SỬ DỤNG |
|
Số: ………………… |
|
Chủ sở hữu: ……………………………………………………………………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………….
Tên XMCD: ……………………………………………. Nhãn hiệu: …………………………
Biển số đăng ký: ……………………………………… Hãng chế tạo: ………………………
Số động cơ: …………………………………………… Số khung: …………………………
Ngày kiểm tra: …………………………………………. Nơi kiểm tra: ………………………
KẾT QUẢ KIỂM TRA
TT |
Nội dung kiểm tra |
K/L |
01 |
Kiểm tra tổng quát |
|
02 |
Hệ thống lái |
|
03 |
Hệ thống di chuyển |
|
04 |
Hệ thống điều khiển |
|
05 |
Hệ thống truyền động |
|
06 |
Hệ thống phanh |
|
07 |
Hệ thống công tác |
|
08 |
Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu |
|
09 |
Quy định về bảo vệ môi trường |
|
KIỂM TRA THỬ TẢI
(Áp dụng đối với thiết bị nâng)
Tầm với hoặc khẩu độ |
Tải trọng thử (tấn) |
Sức nâng cho phép ứng với tầm với trong cột 1 (tấn) |
|
Thử tĩnh |
Thử động |
||
1 |
2 |
3 |
4 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chữ ký của chủ/đại diện chủ sở hữu |
Kết luận của Đăng kiểm viên: Xe máy chuyên dùng ………. yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại QCVN 13:2011/BGTVT; QCVN 22:2010/BGTVT. (ĐKV ký, ghi rõ họ tên) |
Nguyên nhân không đạt (nếu có): ……………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
Ghi chú: Tại cột K/L, ghi “Đ” là đạt yêu cầu, “KĐ” là không đạt yêu cầu, “O” là không áp dụng.
MẪU PHIẾU KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
MẶT TRƯỚC |
|
MẶT SAU |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
PHIẾU KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH
|
|
1. Đơn vị kiểm định: 2. Cơ sở sử dụng Trụ sở chính: 3. Đối tượng: + Mã hiệu: + Năm chế tạo: + Số chế tạo: + Nhà chế tạo: + Đặc tính kỹ thuật: |
Ghi chú:
- Kích thước 15x21 cm, có 2 mặt.
- Ô số 1 ghi: Thứ tự của đối tượng theo danh mục tại Phụ lục 2-Thông tư 32/2011/TT-BLĐTBXH.
- Ô số 2 ghi: Số thứ tự theo quy định của đơn vị kiểm định.
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG TRONG KHAI THÁC SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số (N0):……….. |
|
GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA AN TOÀN KỸ THUẬT
VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE MÁY CHUYÊN DÙNG TRONG KHAI THÁC SỬ DỤNG
(Inspection certificate of technical safety and environmental protection for used TCM)
Chủ sở hữu (Owner): ……………………………………………………………………………
Địa chỉ (Address): ………………………………………………………………………………..
Tên XMCD: ……………………………. Nhãn hiệu: …………………… Số loại: ……………
Name of TCM Trade mark Model code
Biển số đăng ký: …………………………Nước sản xuất: ……………….Năm sản xuất: ….
(RegistrationNumber) Production country Production year
Số khung (Chassis N0) ………………………………. Số động cơ (Engine N0) ……………..
Ngày kiểm tra (Date of inspection): ………..………Nơi kiểm tra (Place of inspection): …..
Số biên bản kiểm tra (Inspection Report N0) …………………… Ký hiệu nhận dạng (Identification mark): ……………………………
THÔNG SỐ KỸ THUẬT CƠ BẢN
(Major technical specification)
Khối lượng bản thân (Kerb mass): kg
Kích thước bao: Dài x Rộng x Cao (Overall dimensions L x W x H): mm
Ký hiệu, loại động cơ (Engine model, engine type):
Ký hiệu, loại động cơ điện (Motor model, motor type):
Loại nhiên liệu (Fuel):
Loại ắc quy/điện áp-dung lượng (Type of battery/voltage-capacity): V-Ah
Công suất lớn nhất của động cơ/ tốc độ quay (Max. engine output/ rpm): kW/rpm
Công suất lớn nhất của động cơ điện (Max. motor rated power): kW
Vận tốc di chuyển lớn nhất (Max. travelling speed): km/h
THÔNG SỐ KỸ THUẬT ĐẶC TRƯNG
(Special technical specification)
Được ghi nhận theo từng loại xe máy chuyên dùng được hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này
Xe máy chuyên dùng đã được kiểm tra và đạt chất lượng an toàn kỹ thuật theo các quy định hiện hành.
The TCM has been inspected and satisfied with the quality, technical safety requirements of the present regulations.
Giấy chứng nhận này có hiệu lực đến ngày ... tháng ... năm 20 …..
This Certificate is valid until
|