BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/VBHN-BCT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2018 |
THÔNG TƯ
Quy định về điều kiện kinh doanh than
Thông tư số 14/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về điều kiện kinh doanh than, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 27/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017.
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh than như sau[1]:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về điều kiện kinh doanh than, bao gồm các hoạt động: Mua bán nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, vận tải, tàng trữ, đại lý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến kinh doanh than trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Than: bao gồm tất cả các loại than hoá thạch và than có nguồn gốc hoá thạch dưới dạng nguyên khai hoặc đã qua chế biến.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền: là các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương (các Bộ) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh).
3. Than có nguồn gốc hợp pháp là than có xuất xứ thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Được khai thác hoặc tận thu từ các mỏ, điểm mỏ, bãi thải có Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, còn hiệu lực;
b) Được nhập khẩu hợp pháp;
c) Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại;
d) Được chế biến theo Giấy chứng nhận đầu tư chế biến than tại cơ sở chế biến có Hợp đồng mua than ký trực tiếp với doanh nghiệp có nguồn than quy định tại các điểm a, b, c của khoản này.
Than nhập khẩu được xem là hợp pháp khi có Tờ khai hàng hóa than nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu (bản sao có chứng thực theo quy định).
Đối với nguồn than tịch thu, phát mại, phải có các chứng từ sau: Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung công quỹ, Phiếu xuất kho, Biên bản bàn giao tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá (bản sao có chứng thực theo quy định).
4. Hoạt động kinh doanh than: là các hoạt động quy định tại Điều 1.
Điều 4.[2] (được bãi bỏ)
Điều 5. Trách nhiệm quản lý
1. Vụ Dầu khí và Than[3] (Bộ Công Thương) chịu trách nhiệm chủ trì và là đầu mối phối hợp với Bộ, ngành, địa phương liên quan định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan.
2. Căn cứ tình hình thực tế của hoạt động khai thác, gia công chế biến và kinh doanh than, Vụ Dầu khí và Than có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để xem xét điều chỉnh, bổ sung Thông tư này khi cần thiết.
3. Bộ Công Thương có quyền yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh than đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh than vi phạm các quy định của Thông tư này.
Điều 6. Hiệu lực thi hành[4]
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 và thay thế Thông tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương hướng dẫn điều kiện kinh doanh than.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến hoạt động kinh doanh than chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, doanh nghiệp phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý./.
Nơi nhận: |
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
[1] Thông tư số 27/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,”.
[2] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 27/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017.
[3] Cụm từ “Tổng cục Năng lượng” được thay thế bởi cụm từ “Vụ Dầu khí và Than” theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2017.
[4] Điều 20 của Thông tư số 27/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017 quy định như sau:
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017.
2. Các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.”.