BỘ QUỐC PHÒNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4213/BQP-TM |
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2020 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
|
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, liên quan đến nội dung sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong nông nghiệp “Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu khẩn trương có hướng dẫn cụ thể loại hình dịch vụ này, đảm bảo an ninh, quốc phòng, sức khỏe, tính mạng người dân, sớm triển khai trên toàn quốc thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc mùa vụ cho nông dân” (tại khoản 17 Mục III Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 18/8/2020 của Văn phòng Chính phủ).
Sau khi khảo sát tại một số tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp và ý kiến của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ. Để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ UAV trong nông nghiệp an toàn, hiệu quả; Bộ Quốc phòng hướng dẫn một số nội dung như sau:
1. Đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị bay không người lái
a) Hiện tại, Bộ Quốc phòng đang hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (Nghị định 36) chuẩn bị trình Chính phủ. Vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn phù hợp với khả năng quản lý đối với loại phương tiện bay này, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ưu tiên về số lượng nhập khẩu UAV phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với quy mô, thị phần của doanh nghiệp; chỉ áp dụng hình thức nhập khẩu trực tiếp phục vụ sản xuất; không kinh doanh, chuyển giao cho tới khi Nghị định thay thế Nghị định 36 được Chính phủ ban hành.
b) Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ Công Thương rà soát thông số kỹ thuật của UAV; việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong khai thác sử dụng UAV, đảm bảo phù hợp với điều kiện hoạt động an toàn tại Việt Nam trước khi cấp phép nhập khẩu.
c) Về thủ tục nhập khẩu UAV: Thực hiện theo khoản 4 Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
2. Chính sách
a) Tạo điều kiện cho hoạt động nhập khẩu và áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với UAV chuyên dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật (tham chiếu khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Mục A Phụ lục I Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về thuế giá trị gia tăng (GTGT), quản lý thuế và hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản liên quan).
b) Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất UAV phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam (Mục 26 Phụ lục I Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển và khoản 2 Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014).
3. Cấp phép bay cho các hoạt động khai thác, sử dụng UAV phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm mùa vụ, diễn biến dịch bệnh, yêu cầu nuôi trồng, chăm sóc; cụ thể:
a) Bộ Quốc phòng chỉ đạo mở rộng thời gian cấp phép bay cho UAV phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng tối đa không quá 180 ngày/01 lần cấp phép bay.
b) Về thủ tục đề nghị cấp phép bay (theo mẫu đơn đề nghị cấp phép bay tại phụ lục kèm theo Nghị định số 79/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2008/NĐ-CP...). Gửi kèm theo sơ đồ, phụ lục thể hiện tọa độ, địa danh, giới hạn khu vực bay (tọa độ: Độ-phút-giây, địa danh: xã-huyện-tỉnh); bản phô tô giấy phép nhập khẩu; các văn bản liên quan đến hoạt động bay (Hợp đồng cung cấp dịch vụ, biên bản ghi nhớ, kế hoạch, chương trình...);
c) Địa chỉ gửi: Cục Tác chiến-Bộ Tổng Tham mưu, số 7 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội qua đường bưu chính của VNPT; số fax: 02437337994, số điện thoại: 069531324;
4. Quản lý hoạt động bay
a) Theo quy định tại điểm d khoản 14 Điều 2 Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu, tổ chức của Bộ Quốc phòng quy định: Bộ Quốc phòng là cơ quan “chủ trì quản lý bảo vệ vùng trời quốc gia,...quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ..,. Vì vậy, hoạt động bay phải chịu sự quản lý, giám sát của các đơn vị quân đội tùy theo khu vực bay, độ cao bay và phải thông báo hiệp đồng với các đơn vị quân đội và chính quyền địa phương (được chỉ định trong phép bay).
b) Yêu cầu các Quân khu, Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của UAV phục vụ sản xuất nông nghiệp; phối hợp với công an, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động bay để đảm bảo an ninh, an toàn.
5. Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ UAV trong nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |