THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 850/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50- NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là Tổ công tác) gồm các thành viên sau đây:
1. Tổ trưởng: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
2. Tổ phó thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Tổ phó: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Các thành viên: gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan sau đây:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Công an;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thủ trưởng các bộ, cơ quan nêu trên có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo bộ, cơ quan tham gia Tổ công tác; gửi về Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành và tạo điều kiện thuận lợi cho người được cử hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Tùy tình hình thực tế, Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo một số bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, chuyên gia để tham mưu những vấn đề cần thiết phục vụ công tác xúc tiến đầu tư theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ công tác
1. Nhiệm vụ chủ yếu:
a) Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
b) Chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị (chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối) nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.
c) Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng; quy mô vốn lớn; công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
d) Tổ chức điều phối liên ngành, liên cấp và liên vùng để thúc đẩy việc hình thành các chuỗi dự án liên kết và hỗ trợ, triển khai thuận lợi, hiệu quả.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao; định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác đầu tư của Tổ công tác.
2. Quyền hạn:
a) Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ: các chính sách, quy định, các gói ưu đãi, hỗ trợ cũng như đặt ra các yêu cầu đối với từng dự án đảm bảo hợp tác đầu tư hai bên cùng có lợi.
b) Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cung cấp các thông tin, hợp tác với Tổ công tác trong hoạt động xúc tiến, triển khai các dự án đầu tư.
c) Tổ trưởng Tổ công tác ký các văn bản chỉ đạo, sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Tổ phó thường trực và Tổ phó Tổ công tác ký các văn bản chỉ đạo, sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 3. Chế độ làm việc của Tổ công tác
1. Quy chế hoạt động của Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Tổ trưởng, Tổ phó thường trực, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
3. Trường hợp có sự thay đổi đại diện lãnh đạo tham gia Tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp điều chỉnh, bổ sung thành viên Tổ công tác.
4. Tổ công tác được mời bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia trong và ngoài nước để tham vấn khi cần thiết.
Điều 4. Nhóm giúp việc của Tổ công tác
Nhóm giúp việc của Tổ công tác đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Tổ phó điều hành, phụ trách việc tham mưu, triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác, trực tiếp báo cáo Tổ phó thường trực và Tổ trưởng.
Điều 5. Kinh phí hoạt động
1. Tổ công tác và Nhóm giúp việc của Tổ công tác được đảm bảo kinh phí và các điều kiện cần thiết khác từ ngân sách nhà nước để hoạt động có hiệu quả.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lập dự toán kinh phí cho hoạt động của Tổ công tác. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ công tác phải thực hiện đúng mục đích và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ tài chính.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các thành viên quy định tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo; - Lưu: VT, QHQT (3). |
THỦ TƯỚNG
|