BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2021/TT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2021 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CẢNG CẠN
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng cạn.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng cạn - Mã số đăng ký: QCVN 108:2021/BGTVT.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG
|
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CẢNG CẠN
National Technical Regulation on Dry Depot
Lời nói đầu
Quy chuẩn quốc gia về cảng cạn, QCVN 108: 2021/BGTVT do Cục Hàng hải Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 09/2021/TT-BGTVT ngày 19 tháng 04 năm 2021.
MỤC LỤC
1. Phạm vi điều chỉnh
2. Đối tượng áp dụng
3. Tài liệu viện dẫn
4. Giải thích từ ngữ
II. Quy định về kỹ thuật
1. Yêu cầu về vị trí, quy mô
2. Yêu cầu về chức năng
3. Yêu cầu về các hạng mục công trình
4. Yêu cầu về bảo trì
5. Yêu cầu chung về phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường
6. Hệ thống kho, bãi hàng hóa
7. Khu văn phòng
8. Hạ tầng kỹ thuật
9. Hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải
10. Công trình đảm bảo an ninh, an toàn tại cảng cạn và kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện ra, vào cảng cạn
III. Quy định về quản lý
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác
2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng cạn
IV. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam
2. Xử lý vướng mắc trong quá trình áp dụng
I. Quy định chung
Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật, quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị đối với cảng cạn.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng cạn.
Quy chuẩn này sử dụng các tài liệu viện dẫn dưới đây. Trường hợp các tài liệu viện dẫn được sửa đổi, bổ sung và thay thế thì áp dụng các văn bản đã được sửa đổi, bổ sung và thay thế.
3.1 QCVN 41:2019/BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ;
3.2 QCVN 06:2020/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
4.1 Cảng cạn
Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
4.2 Khu vực kiểm soát
Khu vực kiểm soát là nơi trực tiếp kiểm tra, kiểm soát việc ra, vào cảng cạn của người, phương tiện và hàng hóa.
4.3 Khu vực văn phòng
Khu vực văn phòng là nơi thực hiện các hoạt động hành chính, điều hành và giao dịch của các bên liên quan tại cảng cạn.
4.4 Doanh nghiệp khai thác cảng cạn
Doanh nghiệp khai thác cảng cạn bao gồm Chủ đầu tư hoặc người được Chủ đầu tư ủy quyền hoặc cho thuê quản lý khai thác cảng cạn.
4.5 Container
Container là một công cụ vận tải được thiết kế để có thể chở hàng bằng một hay nhiều phương thức vận tải mà không cần phải dỡ ra và đóng lại dọc đường, thuận tiện khi xếp dỡ, có đặc tính bền chắc phù hợp cho việc sử dụng lại. Theo kích thước, container gồm 02 loại chính là 20 feet và 40 feet.
4.6 TEU
TEU là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Twenty foot Equivalent Unit”, là đơn vị đo của một container tiêu chuẩn có kích thước 20 feet (dài) x 8 feet (rộng) x 8,5 feet (cao).
4.7 Dịch vụ logistics
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó tổ chức thương mại thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng, các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
4.8 Kho CFS
Kho CFS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Container Freight Station”, là địa điểm (kho, bãi) chuyên dùng thực hiện các hoạt động thu gom, ghép, chia, tách, đóng gói, sắp xếp và chuyển sở hữu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng vận chuyển chung container.
4.9 Bãi container thông thường
Bãi Container thông thường là bãi chứa container tiêu chuẩn có kích thước 20 feet hoặc 40 feet.
4.10 Bãi container chuyên dụng
Bãi container chuyên dụng là bãi chứa các container được sử dụng vận chuyển hàng hóa có tính chất đặc biệt (hàng đông lạnh, hàng nguy hiểm, dễ cháy nổ...).
4.11 Kho ngoại quan
Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan, chờ xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
Vị trí, quy mô cảng cạn phải đảm bảo thuận lợi trong quá trình khai thác, kết nối với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế và đảm bảo các điều kiện sau:
1.1 Phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt.
1.2 Gắn với các hành lang vận tải chính, kết nối trực tiếp với cảng biển; Kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải khác (hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa).
1.3 Phải có ít nhất 02 phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức hoặc kết nối trực tiếp với một phương thức vận tải có năng lực cao.
1.4 Diện tích yêu cầu của cảng cạn phải đảm bảo: (i) đủ công suất khai thác thiết kế hiện tại; (ii) đủ diện tích để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức liên quan tại cảng; (iii) có xét đến sự phát triển của cảng cạn trong tương lai; (iiii) Diện tích tối thiểu của cảng cạn không được nhỏ hơn 05 ha.
Cảng cạn phải được thiết kế, quy hoạch tổng mặt bằng bao gồm các phân khu để đảm bảo các chức năng sau:
2.1 Nhận và gửi hàng hóa vận chuyển bằng container, hàng hóa khác.
2.2 Tập kết container, hàng hóa khác để vận chuyển đến cảng biển và các nơi khác theo quy định của pháp luật.
2.3 Kiểm tra và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2.4 Đóng hàng hóa vào và dỡ hàng hóa ra.
2.5 Gom và chia hàng hóa lẻ đối với hàng hóa có nhiều chủ trong cùng container.
2.6 Tạm chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và container.
2.7 Thực hiện các dịch vụ phụ trợ khác.
3. Yêu cầu về các hạng mục công trình
Cảng cạn được thiết kế, quy hoạch bao gồm các hạng mục công trình chính và phụ trợ để đảm bảo thực hiện các chức năng của cảng, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Các hạng mục công trình tối thiểu phải có tại cảng cạn như sau:
3.1 Hệ thống kho, bãi hàng hóa.
3.2 Bãi đỗ cho các phương tiện vận tải, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa và các phương tiện khác hoạt động tại cảng cạn.
3.3 Đường giao thông nội bộ và giao thông kết nối với hệ thống giao thông vận tải công cộng ngoài khu vực cảng cạn.
3.4 Khu văn phòng bao gồm: nhà điều hành, văn phòng làm việc cho các cơ quan liên quan (như hải quan, kiểm dịch, cơ quan kiểm tra chuyên ngành) và cơ sở hạ tầng khác (hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước, thông tin liên lạc).
3.5 Hạ tầng kỹ thuật bao gồm: (i) phục vụ thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải; (ii) phòng cháy, chữa cháy; (iii) phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh trật tự và kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện ra, vào (cổng, tường rào, trang thiết bị giám sát, kiểm soát...).
Trong quá trình khai thác, các công trình, hạng mục công trình thuộc cảng biển phải đáp ứng yêu cầu về bảo trì như sau:
4.1 Quy trình bảo trì phải được doanh nghiệp khai thác tổ chức lập và phê duyệt theo quy định trước khi đưa công trình, hạng mục công trình vào khai thác.
4.2 Công trình, hạng mục công trình khi đưa vào sử dụng phải được bảo trì thường xuyên theo quy trình bảo trì được phê duyệt.
4.3 Quá trình thực hiện bảo trì phải bảo đảm an toàn đối với con người, tài sản và công trình.
5. Yêu cầu chung về phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường
5.1 Yêu cầu về phòng chống cháy nổ
Quá trình lập quy hoạch, thiết kế, thi công và khai thác vận hành cảng cạn, phải tuân thủ các yêu cầu chung về an toàn cháy theo quy định tại QCVN 06:2020/BXD và các quy định khác có liên quan.
5.2 Bảo vệ môi trường
5.2.1 Cảng cạn phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về bảo vệ, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
5.2.2 Cảng cạn phải được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
5.2.3 Có biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do sự cố liên quan đến chất ô nhiễm, độc hại, từ hàng hóa, quá trình hoạt động, khai thác.
6.1 Bãi container thông thường
Bãi container phải được quy hoạch tại vị trí thuận lợi giao thông, kết nối trong khu vực cảng cạn và đảm bảo các yêu cầu sau:
6.1.1 Diện tích bãi container phải đủ diện tích đề lưu trữ container theo yêu cầu công suất của cảng và dự phòng phát triển tương lai.
6.1.2 Hệ thống giao thông nội bộ trong bãi phải được bố trí sao cho thuận lợi trong việc vận chuyển trong cảng và đảm bảo các chức năng của cảng cạn.
6.1.3 Bãi container phải đảm bảo yêu cầu về kết cấu và đủ diện tích để thực hiện các chức năng của cảng cạn.
6.1.4 Nền bãi phải đảm bảo khả năng chịu lực, độ bền, độ ổn định theo quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
6.1.5 Đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
6.2 Bãi container chuyên dụng
Bãi container chuyên dụng phải bố trí tại các khu vực riêng biệt, đáp ứng các yêu cầu sau:
6.2.1 Bãi container lạnh: Khu vực này bố trí các nguồn điện để đáp ứng yêu cầu hoạt động liên tục của container lạnh.
6.2.2 Bãi container chứa hàng nguy hiểm, dễ cháy nổ: (i) Khu vực này phải được tách biệt với khu vực còn lại; (ii) Có quy định riêng về xếp, dỡ đối với container chứa hàng nguy hiểm, dễ cháy nổ.
6.3 Kho CFS
Kho CFS được thiết kế, xây dựng phải đảm bảo đủ diện tích đáp ứng nhu cầu hoạt động của cảng và thỏa mãn các yêu cầu sau:
6.3.1 Khu vực lưu trữ cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu được bố trí tại các khu riêng biệt.
6.3.2 Đường giao thông nội bộ trong kho CFS phải được thiết kế, quy hoạch đảm bảo thuận lợi cho các phương tiện, thiết bị vận hành trong kho.
6.3.3 Khu vực lưu trữ hàng nguy hiểm, dễ cháy nổ được bố trí tại các khu riêng biệt đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
6.3.4 Bố trí văn phòng làm việc cho nhân viên và người liên quan.
7.1 Khu vực văn phòng quản lý, điều hành
7.1.1 Khu văn phòng bố trí đủ diện tích, chức năng để phục vụ hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng cạn và các đơn vị liên quan (văn phòng quản lý cảng, hải quan, đại lý giao nhận vận tải và các dịch vụ liên quan).
7.1.2 Bố trí khu vực phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên ngành.
7.2 Khu vực phụ trợ
Khu vực phụ trợ (nhà ăn, khu vệ sinh) được bố trí phục vụ sinh hoạt của người lao động làm việc tại cảng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh chung.
8.1 Hệ thống thông tin liên lạc
Hệ thống thông tin liên lạc phải đảm bảo thông suốt trong nội bộ cảng và ngoài cảng, đảm bảo việc vận hành cảng thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực cảng.
8.2 Hệ thống phòng cháy chữa cháy
8.2.1 Cảng cạn phải trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng và phương tiện thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có phương án thoát nạn, giải tỏa phương tiện, vật tư hàng hóa khi xảy ra cháy, nổ.
8.2.2 Trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ của cảng cạn phải được đặt đúng nơi quy định và luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động. Tại những vị trí có nguy cơ dễ xảy cháy, nổ hoặc tại các khu vực, địa điểm khác trong cảng phải có dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn theo quy định của pháp luật.
8.2.3 Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
8.2.4 Hệ thống điện, chống sét, thiết bị sử dụng điện, các nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
8.2.5 Hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác phải bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
8.2.6 Về nhân sự: Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Người làm nhiệm vụ tại nơi dễ cháy, nổ phải được huấn luyện thành thạo về nghiệp vụ phòng, chống cháy, nổ.
8.2.7 Tổ chức phòng cháy chữa cháy: (i) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (ii) Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
9. Hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải
Cảng cạn phải được trang bị phương tiện, thiết bị để thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động hoặc thuê doanh nghiệp có chức nàng tiếp nhận,thu gom, xử lý chất thải theo quy định.
10.1 Cổng ra, vào phải được bố trí tại vị trí thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hoạt động, đảm bảo an ninh, an toàn.
10.2 Cổng kiểm soát, hàng rào an ninh phải được bố trí và lắp đặt các thiết bị an ninh, kiểm soát của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành để đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực cảng cạn và đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện ra, vào hoạt động trong cảng.
10.3 Giao thông kết nối khu vực cảng cạn với hệ thống giao thông vận tải bên ngoài (đường sắt, đường bộ, cảng biển và cảng, bến thủy nội địa) phải đảm bảo an toàn, thuận tiện và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật. Hệ thống báo hiệu, rào chắn và các công trình đảm bảo an toàn giao thông khác phải được thiết kế, lắp đặt theo quy định tại QCVN 41: 2019/BGTVT.
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác
1.1 Quản lý, khai thác cảng cạn theo quy định của Quy chuẩn này và các quy định pháp luật hiện hành.
1.2 Tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan về người, hàng hóa và phương tiện ra, vào hoạt động tại khu vực cảng cạn; đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác liên quan.
1.3 Khi có thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc sự cố bất thường xảy ra, doanh nghiệp khai thác cảng cạn huy động nguồn lực, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cứu người, hàng hóa, phương tiện, xử lý và khắc phục sự cố; đồng thời tiến hành các thủ tục và biện pháp pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng cạn
Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng cạn (cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, hải quan, biên phòng, kiểm dịch y tế, động thực vật) thực hiện quyền hạn và trách nhiệm quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam
Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chuẩn này.
2. Xử lý vướng mắc trong quá trình áp dụng
Trong quá trình áp dụng Quy chuẩn này, nếu có khó khăn vướng mắc, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Cục Hàng hải Việt Nam để tổng hợp và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung.